Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Cắt đứt liên hệ “sân trước” - “sân sau”

- Thứ Hai, 08/07/2019, 07:39 - Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh Tra Chính phủ NGUYỄN TUẤN ANH cho rằng, thông qua các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; xử lý vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích đối với người có chức vụ, quyền hạn, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật này nhằm ngăn chặn tình trạng nhập nhằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công; cắt đứt mối liên hệ giữa “sân trước” và “sân sau”.

Tránh áp dụng tùy tiện

- Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 1.7, để kịp thời hướng dẫn thi hành Luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Trong đó, quy định rõ các trường hợp xung đột lợi ích. Là thành viên Ban soạn thảo Nghị định, xin ông cho biết, nhận diện rõ các trường hợp xung đột lợi ích có ý nghĩa như thế nào đối với việc ngăn ngừa tham nhũng?

- Việc nhận diện các trường hợp xung đột lợi ích có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện ở một số khía cạnh chính sau:

Thứ nhất, giúp áp dụng pháp luật thống nhất một biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng, tránh tùy tiện hoặc lợi dụng việc kiểm soát xung đột lợi ích vào các mục đích không đúng đắn như trả thù, trù dập cán bộ.


Ảnh: Hà An

Thứ hai, giúp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan, trước tiên là người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn có xung đột lợi ích và nói rộng ra là cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện đâu là xung đột lợi ích để thông báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền biết và áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Điều này rất quan trọng để giúp xã hội tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng và chủ động giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung.

Thứ ba, giúp cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền chủ động quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình nhằm ngăn chặn các tình huống xung đột lợi ích hoặc kiểm soát để các tình huống đó không chuyển hóa thành hành vi tham nhũng hoặc có tác động đến tính đúng đắn của hoạt động công vụ.

Thứ tư, giúp cho người có chức vụ, quyền hạn tự nhìn nhận mình có thuộc hoặc có khả năng thuộc vào các trường hợp xung đột lợi ích hay không để chủ động tránh. Trong trường hợp không tránh được do khách quan thì phải báo cáo, công khai với người trực tiếp quản lý mình để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp theo thẩm quyền nhằm kiểm soát xung đột lợi ích, qua đó giúp ngăn chặn xảy ra hành vi tham nhũng.

- Một trong 9 trường hợp hợp xung đột lợi ích được nêu trong Nghị định là: Người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi người đó sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức, hoặc cá nhân khác. Có ý kiến cho rằng việc phát hiện xung đột này là điều không dễ dàng. Theo ông, căn cứ vào đâu để nhận diện được các trường hợp xung đột lợi ích này?

- Đưa ra dấu hiệu rõ ràng về bất kỳ trường hợp xung đột lợi ích nào đều không dễ dàng. Tôi cho rằng, để có thông tin về xung đột lợi ích, cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, thông tin từ người dân, xã hội để các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nắm bắt được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua đều nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Nhân dân, của xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức. Muốn kênh thông tin này thực sự hiệu quả thì chúng ta cần tuyên truyền để người dân biết, hiểu về các quy định của pháp luật.

Hai là, có biện pháp kiểm soát, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiệu quả, đồng bộ từ phía cơ quan, cá nhân có thẩm quyền dựa trên các nguồn thông tin, dữ liệu khác nhau, bao gồm cả dữ liệu về tài sản, thu nhập để phục vụ cho việc kiểm soát xung đột lợi ích. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, một trong các mục đích của hệ thống kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập chính là phát hiện và kiểm soát xung đột lợi ích.

Ba là, nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc chủ động tiếp nhận, xác minh thông tin, kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Trong Nghị định này, Chính phủ cũng quy định các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc kiểm soát xung đột lợi ích, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để tạo bước chuyển thực chất. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, vấn đề cốt lõi là chúng ta có quyết tâm làm và làm có nghiêm túc hay không, chứ không hẳn là có quy định hay không.

Quan trọng là thực thi nghiêm

- Câu chuyện “sân sau” được nhắc đến nhiều và gây bức xúc dư luận thời gian qua. Đây được coi là một trong những dấu hiệu của tham nhũng. Theo ông, Nghị định có ngăn chặn được tình trạng này không?

- Có thể nói đây là vấn đề lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với hầu hết các quốc gia đang phát triển trong quá trình chuyển đổi và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Quá trình cổ phần hóa và quản lý doanh nghiệp nhà nước; cơ chế quản lý và vận hành nền kinh tế; hiệu quả của cơ chế quản trị công; hiệu quả thực thi pháp luật… Nếu đặt hết kỳ vọng về việc ngăn chặn tình trạng này lên Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì có vẻ chưa hợp lý. Nhưng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 59 sẽ góp phần nhận diện và từng bước ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt là thông qua các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích và xử lý vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích đối với người có chức vụ, quyền hạn. Căn cứ vào các quy định này giúp từng bước ngăn chặn các tình huống nhập nhằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công, cắt đứt mối liên hệ giữa “sân trước” và “sân sau”.

- Để ngăn chặn xung đột lợi ích, Nghị định quy định tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác. Điều này là đúng, tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại, nếu không quy định chặt chẽ, có thể việc điều chuyển vị trí công tác sẽ bị lạm dụng. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta cần hiểu việc tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác là một trong các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đây là biện pháp quản lý mang tính tạm thời, được áp dụng để loại trừ khả năng chuyển hóa từ tình huống xung đột lợi ích sang tình huống vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Ví dụ: trong một cơ quan quản lý thuế có phân cho công chức A phụ trách một số doanh nghiệp trên địa bàn B. Trong một đợt tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế của các doanh nghiệp có thông tin xác thực rằng trên địa bàn B có doanh nghiệp thuộc sở hữu người thân thích của công chức A. Trường hợp này, người đứng đầu cơ quan thuế có thể tạm thời chuyển công chức A sang phụ trách địa bàn khác.

Như vậy có thể thấy, khả năng lạm dụng quy định này sẽ khó hơn vì đây chỉ là một biện pháp mang tính tạm thời để kiểm soát tình huống xung đột lợi ích khi có căn cứ rõ ràng, khách quan, xác đáng. Bên cạnh đó, để áp dụng biện pháp này thì người có thẩm quyền phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa khả năng lạm dụng.

- Có thể nói, đến thời điểm này, hành lang pháp lý về phòng, chống tham nhũng tương đối đầy đủ và đã có chế tài mạnh hơn. Nhưng để luật đi vào cuộc sống, ngoài khung pháp lý còn rất cần thực thi nghiêm, thưa ông?

- Đúng vậy. pháp luật hay mà thực thi không nghiêm thì cũng không thể bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh trên thực tế. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền pháp luật đến các đối tượng có liên quan như cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là các đại biểu dân cử và người dân để tham gia giám sát. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật và Nghị định này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các ngành, các cấp và xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm. Nếu chúng ta thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp này, thì chắc chắn Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ đi vào cuộc sống.

- Xin cảm ơn ông!

Hà An thực hiện