Xem-Nghe-Đọc

Cặp song tấu độc đáo của làng nhạc cổ điển Việt Nam

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:40 - Chia sẻ
Mặc dù vướng phải đại dịch Covid, nhưng hai chị em Bảo Quyên - Quang Tiến vẫn hy vọng được về lại Hà Nội vào đầu năm sau để thực hiện lời hẹn đã là thường niên từ 2 năm nay: Le Chauffage Concert (Hoà nhạc "Sưởi ấm"), nơi cặp song tấu piano/violin hiếm hoi là chị em ruột này từng đưa tới những màn trình diễn thăng hoa và và đằng sau đó, là cả một ý tưởng thiện nguyện tốt đẹp khác.

Nếu không vì Covid-19, giờ này, Trần Lê Bảo Quyên - cô sinh viên ĐH Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn Frankfurt (Đức) hẳn đã cầm trong tay tấm bằng Thạc sĩ, chuyên ngành biểu diễn. Niềm vui vì thế sẽ đến muộn hơn một chút, cũng là mùa hè đặc biệt của cô gái sinh năm 1994 này: Thay vì được về lại Hà Nội thăm gia đình và thỏa thích bát phố như các kỳ nghỉ hè trước, Quyên ở lại Frankfurt, tập trung cao độ cho chương trình biểu diễn tốt nghiệp cao học. Đồng thời, sát cánh bên cậu em Trần Lê Quang Tiến hiện đang chuẩn bị thi lên đại học, cũng tại địa chỉ đào tạo âm nhạc uy tín này.

Mặc dù đang cùng phải dốc sức cho hai kỳ thi quan trọng trước mắt, nhưng hai chị em vẫn hy vọng được về lại Hà Nội để thực hiện lời hẹn đã làm được từ 2 năm nay: Le Chauffage Concert (Hoà nhạc "Sưởi ấm"). Bằng vào những kiến thức tươi nguyên vừa học ở cái nôi âm nhạc cổ điển, bằng tình yêu Hà Nội càng lúc càng được đắp đầy hơn sau mỗi chuyến trở về và hẳn nhiên còn bằng cả sự đồng cảm, thấu hiểu của tình chị em, sau những chặng thắm thiết song hành khi phải xa gia đình, quê hương.

“Sưởi ấm” mang ý nghĩa “kép”. Đó trước hết là trải nghiệm riêng của hai chị em trong suốt những năm tháng dài miệt mài khổ luyện, “tầm sư học đạo”, dưới cái lạnh lắm khi thấu xương của mùa đông Frankfurt, không bố mẹ, người thân bên cạnh; ở vào độ tuổi mà thường ra còn được nằm trong sự chở che, bảo bọc của gia đình. Nhưng “sưởi ấm”, trên hết, là mong muốn được cùng nhau góp thêm một que diêm cổ tích, để phần nào xua bớt giá lạnh nơi những phận đời kém may mắn mà chương trình hòa nhạc cổ điển thường niên này hướng tới nhằm mục đích gây quỹ từ thiện.

Nếu xét về xuất thân, có thể nói Quyên và Tiến quả thực đã có được một khởi đầu thuận tiện và may mắn, khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống “văn võ song toàn”, với cụ ngoại là nhà văn Nguyễn Tuân, ông họ là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong “tứ trụ của hội họa Việt Nam” và ông nội là Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Tên của Tiến cũng chính là được đặt theo bí danh của ông nội hồi còn hoạt động trong thành (Bảy Tiến), còn cái tên Bảo Quyên chính là mượn lại tên bà ngoại Nguyễn Quyên Quyên (con gái lớn của nhà văn Nguyễn Tuân), với ý nghĩa “nâng niu cái đẹp”. “Chắc chắn rồi, hành trang giúp hai chị em vững vàng nhất luôn là tổng hòa từ ảnh hưởng của cụ Tuân, cụ Nghiêm và cụ Quang. Nếu thiếu đi 1 trong 3 sức ảnh hưởng đó, hai chị em tôi hẳn là sẽ khó được là mình như hôm nay. Có một điểm gặp thật thú vị: Khi tôi được biết tới những tác phẩm của nhà soạn nhạc Alexander Scriabin, tôi bỗng ngỡ ngàng như thể đang đứng trước những bức tranh của cụ Nghiêm. Đôi lúc dội lên những đường nét vô cùng sắc sảo, khi lại huyền bí ẩn náu, và những mảng màu hay hình khối thì vô cùng lộng lẫy tráng lệ, cũng có những tác phẩm thì lại dạt dào ấm áp đậm đà…”, Quyên tâm sự.

Nhưng trên hết, Quyên mê âm nhạc của Chopin. “Có lẽ vì nó lột tả được phần đa tính cách của tôi, với những đối kháng nội tâm mâu thuẫn. Tôi cũng khá là nóng nảy, không giỏi kiềm chế cảm xúc, đôi khi cực đoan với ấn tượng yêu ghét. Đó cũng là sự khác nhau tương đối với em trai. Tiến dường như khéo léo khôn ngoan và lạc quan tích cực hơn. Chính vì thế nên nhạc cụ mà hai chị em học là khá tương ứng, phù hợp với tính cách mỗi người…”. 

Còn người em Trần Lê Quang Tiến, năm nay tròn 18 tuổi, từng được mệnh danh là "thần đồng violin" khi sớm sở hữu bộ sưu tập giải thưởng ấn tượng: Giải Nhất cuộc thi đàn dây quốc tế Mozart  tại Thái Lan (2014), giải Nhất cuộc thi violin Quốc tế tại Kazakhstan (2016) và Giải đặc biệt cho nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm đương đại xuất sắc nhất tại cuộc thi Tchaikovsky dành cho các nghệ sĩ trẻ (2017). Trong đó, hai giải thưởng giành được tại châu Âu được cho là thành tích gây kinh ngạc, khi Việt Nam phải chờ tới gần 20 năm sau kể từ sau Bùi Công Duy mới có được một tài năng trẻ giành giải nhất tại một cuộc thi violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu (cả về uy tín, bề dày cuộc thi đến dàn giám khảo danh tiếng...). Lại là một tài năng trẻ được đào tạo hoàn toàn trong nước, trong một thời gian ngắn kỷ lục (Tiến bắt đầu với violin khá muộn so với chuẩn đào tạo thông thường). Cậu "học trò cưng" của TS. NSƯT Bùi Công Duy cũng là nghệ sĩ trẻ nhất từng nhiều lần tham gia biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.      

Đúng như tên gọi của Bảo Quyên, cặp song tấu độc đáo của làng nhạc cổ điển Việt Nam đang phơi phới chuyển động trên hành trình gìn giữ nâng niu cái đẹp của âm nhạc cổ điển bằng hai tâm hồn Việt.

Lê Quân