Tọa đàm “Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo”

Cần xem xét ban hành Luật Tín dụng chính sách xã hội

- Thứ Tư, 06/11/2019, 21:44 - Chia sẻ
Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách theo Chỉ thị 40, điểm sáng lớn nhất chính là mô hình tổ chức quản trị đặc thù của NHCSXH hoàn toàn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội. NHCSXH đã huy động và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao đối với người dân vay vốn để giảm nghèo. Để tín dụng chính sách xã hội thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn, tôi cho rằng cần nghiên cứu trình Quốc hội xem xét ban hành Luật “Tín dụng chính sách xã hội”.

Kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn các địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 10.320 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 30.6.2019 đạt 14.128 tỷ đồng. Đây là con số lớn, là thành tựu mà chúng ta tập trung cho xóa đói giảm nghèo nhằm đạt hiệu quả cao. Trong suốt quá trình thực hiện, hơn 10 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Điển hình một số tỉnh, thành phố bổ sung nguồn vốn ủy thác tại địa phương nhiều kể từ khi có Chỉ thị, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Nam, Gia Lai,….

Tôi đánh giá NHCSXH đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bao phủ toàn bộ thôn bản, xã phường giúp người nghèo xóa nghèo bền vững. Ngoài ra, giúp cho 19.000 lao động có việc làm. Và quan trọng nhất có 1,8 triệu hộ thoát được nghèo. Tôi cho rằng đây là kết quả rất đáng ghi nhất.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi
Ảnh: Duy Thông

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững, tôi đề nghị:

Một là, tiếp tục đề xuất Chính phủ, QH mở rộng hạn mức bảo lãnh để phát hành trái phiếu cho Ngân hàng chính sách tăng nguồn vốn.

Hai là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Ba là, đề nghị các ĐBQH ủng hộ việc phê duyệt vốn trung hạn từ nguồn vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 và xem xét ban hành Luật Tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo; triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát cũng như nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân để điều chỉnh, bổ sung cơ chế cho phù hợp..

Bốn là, chúng ta tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, chiến lược để củng cố NHCSXH.

Năm là, cần tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, thông qua ngân hàng chính sách để xử lý nguồn vốn có hiệu quả.

Sáu là, thành công của tín dụng ngân hàng chính sách đó là vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên. Do đó, chúng ta tiếp tục phát huy vai trò của các thành viên mặt trận, tiếp tục tham gia vào việc thực hiện cho vay vốn để xóa đói giảm nghèo, bên cạnh đó là giám sát và phản biện chính sách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi