Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Cần xác định lại cách tiếp cận

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:17 - Chia sẻ
“Có một điều cứ vang vọng mãi trong tôi là: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Nhưng luật này phần lớn thể hiện nghĩa vụ thì ít mà lại đòi hỏi Tổ quốc cho mình nhiều quá. Quyền lợi đòi nhiều mà nghĩa vụ không thấy rõ”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề cập tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) sáng qua. Nhiều Ủy viên UBTVQH có cùng quan điểm này khi yêu cầu cơ quan soạn thảo cần xác định lại cách tiếp cận đối với việc sửa đổi Luật Thanh niên. Phải “đốt lửa” lên chứ nếu cứ như dự thảo Luật thì áp dụng Luật năm 2005 là ổn!

Chưa có chính sách gì mới

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) đưa ra 7 nhóm chính sách lớn và tăng 26 điều so với Luật hiện hành. Phát biểu trước UBTVQH sáng qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh yêu cầu phải sửa đổi Luật để phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chia sẻ với mong muốn và kỳ vọng của cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, bản thân ông cũng “có mong muốn, kỳ vọng rất lớn đối với dự luật này nhưng khi đọc thì lại cảm thấy có gì đó chưa thỏa mãn” và chỉ ra rất nhiều điểm khiến ông thấy băn khoăn. Đầu tiên là, quyền lợi đòi nhiều mà nghĩa vụ không thấy rõ. Tiếp đó là dự luật dẫn chiếu rất nhiều nhưng không có nét gì riêng biệt, thậm chí, nếu chỉ thay từ “thanh niên” bằng từ “công dân” thì các điều khoản trong dự luật vẫn hợp lý. Tại Điều 3, Luật Thanh niên năm 2005 đã khẳng định rõ “quyền và nghĩa vụ của thanh niên” còn dự luật lại thay thế bằng “Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên”. Đây được coi là một sự đòi hỏi phải cho thanh niên cái gì rồi nhưng ngay trong các nguyên tắc này thì một số nội dung cũng không phải là nguyên tắc mà là quyền và nghĩa vụ. Trong khi đó, các chính sách của Nhà nước, nếu theo dự luật thì rất lớn nhưng không biết khả năng bảo đảm của ngân sách thế nào, Bộ Tài chính đánh giá tác động ra sao.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, nhiều chính sách trong dự luật còn chung chung, chưa có chính sách gì mới, tính khả thi, khả năng bảo đảm của ngân sách cũng chưa rõ, thậm chí các quy định của dự luật còn không rõ bằng các luật chuyên ngành. Ví dụ, chính sách về lao động khởi nghiệp quy định thanh niên được quyền tiếp cận thông tin thị trường lao động thì Bộ luật Lao động đã nói rất rõ. Hay bảo vệ Tổ quốc thì đã có Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dự bị động viên, nhiều luật đã quy định rất rõ thanh niên từ độ tuổi nào phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, thanh niên tới tuổi nào là phải thi hành nghĩa vụ quân sự, trường hợp nào được tạm hoãn, trường hợp nào được miễn cũng đã quy định rất rõ. Dự luật lại chỉ ghi chung chung là thanh niên sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. “Luật ngắn cũng được nhưng phải rõ. Đọc vào là biết chính sách gì mới”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, dự luật lại có những quy định quá cụ thể mà theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga là rất bất hợp lý và sẽ không thực hiện được. Ví dụ, Điều 7 về nguồn lực quy định “Chính phủ và chính quyền địa phương có trách nhiệm đảm bảo đủ nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách pháp luật, chương trình đối với thanh niên”. Hay đối thoại với thanh niên là rất cần thiết nhưng Điều 9 quy định rõ “trong thời hạn 15 ngày sau ngày đối thoại, nội dung kết luận đối thoại phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các cơ quan, tổ chức liên quan”, đồng nghĩa đã có kết luận thì phải thực hiện. Không biết cách để hình thành nhóm thanh niên đối thoại về những mảng gì mà quy định cứ mỗi năm một lần phải đối thoại và phải có kết luận. Rất nhiều điều khoản liên quan đến quyền học tập, quyền, nghĩa vụ, nhất là quyền chăm sóc sức khoẻ cho thanh niên, hay luật hóa phong trào thanh niên tình nguyện, quy định thành một nghĩa vụ bắt buộc của thanh niên... cũng là không hợp lý. Vì thế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, dự luật không nên quy định chi tiết, cụ thể vì như vậy sẽ chồng hết lên các luật và cũng sẽ bất hợp lý trong áp dụng chính sách đối với các đối tượng.

Phải tháo gỡ được những cái đang kìm hãm thanh niên

“Đưa ra dự án luật này, chúng ta sẽ có một công cụ pháp lý gì trong tay làm điểm tựa? Hay về tổ chức có gì mới không? Từ hôm trước tôi cứ hy vọng sẽ có cái gì mới. Như bây giờ, liệu quản lý của thanh niên vẫn ở Bộ Nội vụ hay là sẽ có Bộ Thanh niên và Thể dục, Thể thao để quản lý thanh niên? Thậm chí có thể đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là Bộ trưởng của bộ này?”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.

 Luật Thanh niên không phải là văn bản pháp lý duy nhất về thanh niên. Không nên kỳ vọng rằng Luật Thanh niên sẽ bao hàm hết mọi thứ về thanh niên. Luật này cũng không thể thay thế được các chính sách khác của Đảng và Nhà nước về thanh niên. Vì vậy, xác định ranh giới giữa luật này với các luật khác là việc hết sức khó. Nhưng vì sao phải sửa Luật Thanh niên ở thời điểm này? Trả lời câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, năm 2013, Bộ Chính trị có Kết luận số 80 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25 ngày 25.7.2008 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết luận 80 đã chỉ rõ: Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên với 3 nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; cơ chế phối hợp trong công tác thanh niên; vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng thừa nhận, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ các nội dung của Kết luận 80. Ông nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thanh niên trước hết phải nhằm vào 3 mục tiêu, nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị giao trong Kết luận 80. Tiếp đó là tháo gỡ những vấn đề hiện nay đang kìm hãm sự phát triển của thanh niên, kìm hãm sự đóng góp, vai trò xung kích của thanh niên và những vấn đề cần thúc đẩy để phát huy thanh niên về mọi mặt - “những vấn đề mà để thanh niên là ưu tú, là tầng lớp trí tuệ, là tầng lớp đi đầu về sức khỏe, về trí tuệ, vai trò xung kích trên mọi mặt trận, để thanh niên thực hiện được nhiệm vụ, sứ mệnh của mình là xung kích đi đầu”.

Nhìn lại lịch sử phát triển của đất nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thanh niên cũng đều có đóng góp hết sức quan trọng. Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Từ xưa đến nay đã như vậy thì trong giai đoạn cách mạng mới vẫn tiếp tục phải như vậy. Thế hệ thanh niên ngày nay được sống, lao động, học tập trong môi trường thuận lợi hơn nhiều so với các thế hệ trước, được Đảng, Nhà nước quan tâm, môi trường chính trị xã hội ổn định, kinh tế - xã hội phát triển. Đây cũng là môi trường để thanh niên có thể phát triển hơn. Thanh niên xung kích đi đầu trong học tập, trong rèn luyện, trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong phòng, chống tệ nạn xã hội, trong bảo vệ trật tự trị an, hăng hái, sáng tạo trong lao động sản xuất; lập thân, lập nghiệp, xóa đói, giảm nghèo; làm giàu cho mình, cho xã hội, cho gia đình; hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu, trí tuệ toàn cầu, công dân toàn cầu thì thanh niên cũng phải toàn cầu. Tuy nhiên, thanh niên của ta hiện nay còn nhiều hạn chế về kỷ luật lao động, về kỹ năng làm việc nhóm, về tham gia các hoạt động quốc tế, làm việc trong môi trường quốc tế. Vậy thì sửa đổi Luật phải làm sao để phát triển được thanh niên, làm sao tháo gỡ được những cái kìm hãm thanh niên và làm gì để khắc phục những cái yếu của thanh niên? Dự luật phải nhằm vào những vấn đề này, còn các vấn đề khác thì các luật hiện nay đã có hết cả rồi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Dự luật Thanh niên (sửa đổi) mới chỉ được trình UBTVQH cho ý kiến lần đầu. Nhưng rõ ràng, dự luật cần được hoàn chỉnh lại, thậm chí phải thay đổi cả cách thức tiếp cận. Nói như Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển là “phải đốt lửa lên chứ nếu thế này thì cứ sử dụng Luật năm 2005 là ổn, không cần phải sửa gì cả”.

Quỳnh Chi