Chính sách và cuộc sống

Cẩn trọng và khách quan

- Thứ Ba, 12/03/2019, 08:10 - Chia sẻ
“Trong số 18 nội dung thì chỉ có 5 nội dung Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với dự thảo Luật, 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì không thực sự cần thiết hoặc chưa bảo đảm công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ quan điểm của Thường trực Ủy ban về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại Phiên họp sáng qua của UBTVQH.

Đây không phải là lần đầu tiên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu quan điểm về việc có cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN hay không. Bởi lẽ, Luật KTNN mới được QH ban hành ngày 24.6.2015 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, tức là tính đến thời điểm này, chúng ta mới thực thi được hơn 3 năm. Mặc dù trong khoảng thời gian này, đúng là có phát sinh một số vướng mắc nhưng về cơ bản, theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các đại biểu tham dự phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật này hôm 7.3 vừa qua, các quy định của Luật vẫn phù hợp với thực tiễn.

“Phần lớn các vướng mắc không thực sự đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẳng định. Quy định về đơn vị được kiểm toán là một trong những nội dung như vậy.

Cơ quan chủ trì soạn thảo nhiều lần khẳng định, dự thảo Luật không mở rộng phạm vi kiểm toán so với Luật hiện hành mà chỉ đề xuất bổ sung Khoản 13 Điều 55 theo hướng quy định cụ thể các đơn vị được kiểm toán gồm “người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng KTNN quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại khoản này”. Nhưng về bản chất, với nội hàm của điều khoản này, theo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách chính là đã mở rộng phạm vi đơn vị được kiểm toán so với Luật hiện hành. Bởi chỉ riêng khái niệm “người nộp thuế” theo quy định của Luật Quản lý thuế đã bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Và như vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều sẽ thuộc diện đơn vị được kiểm toán. Điều này sẽ gây chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế. Trong khi đó, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập mà không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công. Vai trò của người nộp thuế chỉ là phối hợp cung cấp thông tin trong quá trình kiểm toán chứ không thể xem đó là đối tượng phải kiểm toán.

Các lý do được nêu trong Tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với đề xuất này cũng chưa đủ sức thuyết phục. Ví dụ, viện dẫn các khó khăn trong quá trình hoạt động của KTNN vừa qua như: các đơn vị không cung cấp hồ sơ, tài liệu, không phối hợp trong quá trình kiểm toán, không nhận thức đúng, đầy đủ về nghĩa vụ của đơn vị có liên quan trong hoạt động kiểm toán. Hay cho rằng, nếu không quy định các cơ quan, tổ chức này là đơn vị được kiểm toán thì các đơn vị này chỉ có trách nhiệm theo quy định tại Điều 68 của Luật KTNN và các kiến nghị của KTNN sẽ phải thực hiện thông qua cơ quan thu… Những vướng mắc này đều chủ yếu phát sinh từ thực tiễn hoạt động, do công tác tuyên truyền, phối hợp của các cơ quan liên quan, không xuất phát từ bất cập của Luật hiện hành. Vậy thì có nên đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung vấn đề này trong Luật hay không? Nếu vẫn muốn bổ sung thì phải tính toán rất cẩn trọng vì điều luật này sẽ đồng nghĩa với việc trao thẩm quyền rất lớn cho KTNN được kiểm tra hoạt động của cả các cá nhân, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công.

KTNN là một thiết chế độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Vì thế, các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN phải hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm các điều kiện pháp lý và công cụ để KTNN thực hiện hiệu quả nhất vai trò và quyền lực hiến định của mình nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch, khách quan, đúng chức năng, đúng thẩm quyền của cơ quan này. Có như vậy, tính “thiêng” trong hoạt động của KTNN mới bảo đảm được.

Quỳnh Chi