Cần triển khai nhanh và hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội

- Thứ Hai, 25/06/2012, 08:44 - Chia sẻ
Với ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN (TP HỒ CHÍ MINH), Kỳ họp thứ Ba đã thành công, dù thời gian làm việc của QH ngắn hơn nhưng chất lượng các nội dung trình QH cho ý kiến hoặc thông qua tại Kỳ họp đã được bảo đảm. Các ĐBQH đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến hay giúp Chính phủ thực hiện tốt hơn việc điều hành và quản lý đất nước. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, sau kỳ họp này, tình hình KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi QH, Chính phủ phải tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; cần triển khai nhanh và hiệu quả các nhóm giải pháp ngắn hạn để giải quyết những khó khăn trước mắt và nhóm giải pháp dài hạn để khuyến khích đầu tư, sử dụng vốn hiệu quả, sử dụng các nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng bền vững theo Nghị quyết của QH.

- Đại biểu đánh giá thế nào về Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII?

Kỳ họp thứ Ba là một Kỳ họp thành công của QH Khóa XIII. QH đã bảo đảm được các đầu việc được đề ra trong chương trình nghị sự, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến hay giúp Chính phủ thực hiện tốt hơn công việc điều hành, quản lý Nhà nước.

QH đã xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó, QH đã thảo luận và thông qua nhiều dự án Luật góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các ĐBQH đã có nhiều đóng góp quan trọng vào dự thảo Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, giúp Chính phủ hoạch định chính sách phát triển bền vững hơn, dựa trên nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên của đất nước, dựa trên các điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta.

Trong chương trình nghị sự, QH cũng đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. QH đã dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề này. Các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến hay nhằm giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho nông dân. Các giải pháp và các yêu cầu mà QH đã xác định trong Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là giải pháp bảo đảm kinh tế phát triển bền vững, vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa bảo đảm an sinh - xã hội vì nước ta có tới 70% dân số là nông dân. 

Tuy nhiên, sau Kỳ họp này, QH, Chính phủ vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức...

- Với riêng đại biểu, những vấn đề mà cử tri gửi gắm đã được giải quyết như thế nào và giải quyết đến đâu?

Nguyện vọng của cử tri rất đa dạng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của đời sống. Vì vậy, để thỏa mãn mọi nguyện vọng của cử tri thì không thể giải quyết trong một Kỳ họp của QH. Nó đòi hỏi cả một quá trình hoạt động của QH, các Ủy ban của QH và các Đoàn ĐBQH. Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện tại Kỳ họp này. Còn việc giải quyết đòi hỏi phải có thời gian. Các thành viên Chính phủ đã tiếp thu một cách nghiêm túc, cũng như đưa ra những lời hứa, cam kết với QH, với cử tri cả nước. Những lời hứa, cam kết đó được đưa vào Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn mà QH thông qua tại cuối Kỳ họp, để Chính phủ thực thi trong thời gian tới.

Trong tình hình khó khăn vừa qua, cử tri đặc biệt quan tâm đến những vấn đề kinh tế – xã hội được QH đặt lên bàn nghị sự trong Kỳ họp thứ Ba, bởi những quyết đáp của QH có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống thường nhật của họ. QH đã xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012. Các ĐBQH đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ về việc kiên định các mục tiêu kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Tôi cho rằng, bên cạnh việc kiên định mục tiêu đã nêu trên, Chính phủ cần triển khai nhanh các nhóm giải pháp: nhóm giải pháp ngắn hạn để giải quyết những khó khăn trước mắt và nhóm giải pháp dài hạn có tính ổn định lâu dài để khuyến khích đầu tư, sử dụng vốn hiệu quả, sử dụng các nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng bền vững.

- Kỳ họp thứ Ba, một số cải tiến, đổi mới trong cách thức hoạt động của QH tiếp tục được thực hiện nhằm giảm bớt áp lực về thời gian làm việc của QH nhưng vẫn bảo đảm chất lượng các quyết đáp của QH. Nhìn lại Kỳ họp thứ Ba, theo đại biểu, chúng ta đã đạt được mục tiêu đó hay chưa?

Kỳ họp thứ Ba của QH Khóa XIII tuy chỉ kéo dài 1 tháng, song có thể nói thời gian làm việc các ĐBQH không chỉ gói gọn trong 8 giờ/ngày tại hội trường hoặc thảo luận tại tổ trong cả Kỳ họp. Mà bên cạnh đó, các ĐBQH đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, trao đổi và bàn bạc những vấn đề mà cử tri quan tâm. Hơn nữa, các ĐBQH đã có một quá trình dài lâu để tích lũy kiến thức. Vì vậy, có thể xem Kỳ họp của QH là nơi để các ĐBQH tập trung trí tuệ bàn thảo những vấn đề đại sự quốc gia, đưa ra sáng kiến, giải pháp hay giúp Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đời sống kinh tế - xã hội hoặc phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri. Bên ngoài khuôn khổ Kỳ họp, ngoài phạm vi của nghị trường, các ĐBQH còn tham gia rất nhiều hoạt động khác của QH, Đoàn ĐBQH tại địa phương, cùng với đó là thường xuyên tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát việc điều hành, quản lý của Chính phủ, cũng như phối hợp, đôn đốc các sở, ban, ngành giải quyết chính xác, kịp thời kiến nghị của cử tri. Vì thế, có thể nói rằng, dù thời gian Kỳ họp ngắn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn, nặng hơn nhưng chất lượng các nội dung được trình QH xem xét cho ý kiến hoặc quyết định tại Kỳ họp đã được bảo đảm.

- Như đại biểu chia sẻ, sau Kỳ họp thứ Ba, chúng ta vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, sau Kỳ họp này, theo đại biểu, các ĐBQH cần làm gì để chia sẻ những khó khăn, thách thức đó với QH, với Chính phủ và với cử tri?

Kỳ họp thứ Ba kết thúc với nhiều nhiệm vụ, trọng trách đặt ra với cả cơ quan hành pháp và lập pháp. Đó là những nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngành ngân hàng và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của QH... Đây đều là những nhiệm vụ nhọc nhằn và nhiều thách thức. Với trọng trách là người đại biểu dân cử, đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri, mỗi ĐBQH đều đã và đang làm hết trách nhiệm của mình. QH cũng đang cố gắng phát huy tối đa các nhiệm vụ, quyền hạn trong việc ban hành các văn bản pháp luật, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống; giám sát hoạt động của bộ máy hành pháp, tăng cường hơn nữa các hoạt động đầu tư công, chi tiêu công, hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đồng thời đáp ứng các yêu cầu và sự kỳ vọng của cử tri.

Làm ĐBQH là công việc nặng nhọc và khó khăn. Nhưng, nếu như mình làm và thấy được kết quả của công việc mình làm, nhất là khi mình giải quyết được các kiến nghị, mong đợi của cử tri - thì đó là niềm vui và hạnh phúc của những người hoạt động dân cử. Mỗi ĐBQH có trách nhiệm phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thực hiện đúng lời hứa đã đề ra khi ứng cử ĐBQH. ĐBQH cần phải phát huy cái tầm, cái tâm và trí tuệ của mình. Từng ĐBQH phải cống hiến quên mình, hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách được giao phó, đóng góp vào sự thành công của QH, vì sự tiến bộ chung của đất nước.

- Xin cám ơn đại biểu!

Thanh Chi thực hiện; ảnh: Q.Khánh