Cần triển khai đồng bộ, chặt chẽ

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:20 - Chia sẻ
Để hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai hiệu quả, đồng bộ, chặt chẽ, theo các chuyên gia, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cần tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đạt nhiều kết quả khả quan

Báo cáo về kết quả hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2014 - 2019, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế Phan Thị Hải cho biết, hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, các bộ, cơ quan trung ương đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá và được kiện toàn kịp thời khi cần thiết. Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng đã có sự phân công, phân nhiệm đơn vị đầu mối giúp việc cho ban chỉ đạo trong việc tổ chức triển khai Luật, trong đó, đa số phân công cho Văn phòng Bộ là đầu mối thực hiện các hoạt động cụ thể.


Hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai từ Trung ương đến địa phương
Nguồn: ITN

Ở địa phương, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá. Các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh cũng đã thành lập ban chỉ đạo của cơ quan và cử cán bộ phụ trách tham mưu để tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. UBND cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn cũng thành lập ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá ở địa bàn.

Để các hoạt động được triển khai hiệu quả, một số bộ, ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá như Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền về thực thi Công ước Khung và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tới Ban Dân tộc các tỉnh, UBND các huyện. Bộ Nội vụ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật thực hiện văn hóa công sở, tiến tới nghiêm cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc và khuôn viên nơi làm việc.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị Công an các cấp xây dựng và thực hiện tiêu chí đơn vị không khói thuốc và nơi làm việc không khói thuốc lá, quy định địa điểm cụ thể cấm hút thuốc lá; chỉ đạo phối hợp với ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong việc đề xuất các phương hướng, giải pháp nhằm đấu tranh, bắt giữ, xử lý các đối tượng tham gia buôn lậu thuốc lá. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định về việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về phổ biến và hướng dẫn thực thi Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành và kiểm tra việc thực thi pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Ngoài ra, hàng năm, Bộ Y tế đều có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31.5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá; hướng dẫn các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên toàn tỉnh, thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc ở tất cả các địa điểm cấm hút thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tăng cường xử lý vi phạm

Thông qua các hoạt động được triển khai tích cực thời gian qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm. Kết quả điều tra tại một số tỉnh năm 2018 cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại công sở, tại cơ sở y tế, trường học giảm nhiều so với năm 2015. Theo đánh giá của các cơ quan trung ương và địa phương, trung bình trên 90% cán bộ lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định về nơi làm việc không khói thuốc.

Tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Khuê, dù các địa phương đều đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá, song hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất nên chưa mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, là nhiều địa phương chưa phát huy được vai trò của ban chỉ đạo; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị là thành viên để triển khai các hoạt động.

“Hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá là hoạt động y tế công cộng, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, đoàn thể, song các cơ quan ở địa phương lại chưa chủ động trong việc lập kế hoạch, dự toán kinh phí và triển khai hoạt động, chưa có sự phối hợp tích cực với cơ quan được giao là đầu mối trong việc lập và thực hiện kế hoạch. Thậm chí, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc giả còn khó khăn do không bố trí được nguồn lực” - ông Khuê cho biết.

Để công tác phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan chức năng đạt hiệu quả, đồng bộ, chặt chẽ, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đề xuất, thời gian tới cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các nghị định xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; cũng như ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật. Đồng thời, UBND tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa các hoạt động thực thi Luật, tổ chức hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về địa điểm cấm hút thuốc lá; quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ.

Vân Phi