Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam:

Cần tổng kết, đánh giá sâu sắc hơn về đơn phương miễn thị thực

- Thứ Ba, 29/10/2019, 19:17 - Chia sẻ
Cũng trong phiên họp tổ chiều nay, 29.10, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Hai nội dung được các ĐBQH tập trung thảo luận là: thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và đơn phương miễn thị thực.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)  Ảnh: Quang Khánh

Nhiều ĐBQH cho rằng, sau gần 2 năm tổ chức thực hiện, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân một số nước đã góp phần thu hút người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là cần thiết, góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Ủng hộ quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) cho rằng, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam dưới nhiều hình thức là cần thiết trong bối cảnh đất nước đang tích cực hội nhập với thế giới. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang phát triển du lịch nên thu hút đông đảo khách quốc tế. "Bên cạnh siết chặt quản lý thì chúng ta cũng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động xuất - nhập cảnh đối với người nước ngoài nhằm giúp người nước ngoài có nhiều lựa chọn khi có nhu cầu nhập cảnh vào nước ta, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách này thể hiện Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới", ĐB Nguyễn Nhân Chiến nói.

ĐBQH Phạm Bình Minh (Thái Nguyên) cho rằng, việc áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử trong 2 năm qua đã tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho công dân nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, cấp thị thực điện tử cũng chỉ là một trong các phương thức cấp thị thực chứ không phải là một loại thị thực mới. Trong khi đó, hiện nay có sự khác biệt trong việc cấp thị thực điện tử và cấp thị thực truyền thống với cùng một đối tượng. ĐB Phạm Bình Minh nêu dẫn chứng: việc cấp thị thực điện tử cho khách du lịch nước ngoài không cần có cơ quan bảo lãnh, trong khi cấp thị thực truyền thống đòi hỏi cần có cơ quan bảo lãnh. Nếu cấp thị thực cho khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam mà không cần bảo lãnh là cách để tạo điều kiện cho đối tượng này thì cũng nên áp dụng không cần bảo lãnh đối với cả các hình thức cấp thị thực khác đối với đối tượng này. Đại biểu cũng đề nghị, cần phải đánh giá kỹ lại vấn đề này và dự thảo Luật cần quy định bảo đảm áp dụng công bằng, không có sự khác biệt trong việc cấp thị thực, dù dưới hình thức nào, đối với cùng một đối tượng.

Về việc bổ sung quy định đơn phương miễn thị thực, ĐB Phạm Bình Minh cho hay, hiện nay cả 13 nước mà nước ta áp dụng cơ chế miễn thị thực đơn phương lại đang áp dụng cơ chế cấp thị thực chặt chẽ, thậm chí rất khó khăn đối với công dân Việt Nam. "Điều này tạo ra sự rất không bình đẳng đối với công dân Việt Nam khi ra nước ngoài". Nêu thực tế này, ĐB Phạm Bình Minh cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định về cơ chế miễn thị thực "có đi có lại" đối với các nước, nhằm đấu tranh cho sự bình đẳng về quyền lợi và cách đối xử dành cho công dân nước ta khi ra nước ngoài. Cần có sự tổng kết, đánh giá sâu sắc hơn nhằm có chính sách phù hợp trong vấn đề này.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung điều kiện nhằm quyết định việc áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước là: “Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam”, vì cho rằng với quy định này sẽ thắt chặt điều kiện đơn phương miễn thị thực, tiến tới thu hẹp dần và có thể dừng áp dụng đơn phương miễn thị thực, nhằm bảo đảm sự chủ động trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hiện nay, Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có 6 quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực, mà ngược lại, cần thiết mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực.

Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, mở rộng diện các nước được miễn thị thực cũng là một trong những nội dung đã được Chính phủ quan tâm, đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan nghiên cứu, đề xuất tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15.5.2018 của Chính phủ. Hơn nữa, khi Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh thì công dân Việt Nam cũng sẽ được các nước tạo điều kiện thuận lợi hơn khi họ xuất cảnh ra nước ngoài. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước mà nên giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực tại khoản 1 Điều 13 của Luật số 47.

Thanh Chi