Cần thực hiện Tháng Thanh niên hay không?

- Thứ Hai, 25/05/2020, 17:04 - Chia sẻ
Chiều 25.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội làm việc trực tuyến, tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Tạo hành lang pháp lý để thanh niên thực hiện sứ mạng to lớn

Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể chế được quan điểm, đường lối của Đảng, chưa cụ thể hóa được nội dung và tinh thần của Hiến pháp; chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy và cống hiến; chưa thể hiện được vai trò, sứ mệnh của thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Một số ý kiến cho rằng, Luật Thanh niên (sửa đổi) là luật về đối tượng nên các quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong dự thảo Luật trùng lặp và không có gì mới so với các quy định quyền và nghĩa vụ công dân trong luật khác. Vì vậy, dự thảo Luật nên được xây dựng theo hướng là luật khung, quy định nguyên tắc chung nhất về những vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên. Một số ý kiến khác cho rằng, nội dung dự thảo Luật còn nặng về quản lý nhà nước, chưa nêu bật được trách nhiệm của thanh niên - đối tượng tác động chính của Luật.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)
Ảnh: Quang Khánh

Tiếp thu ý kiến xác đáng của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉnh lý cơ bản dự thảo Luật theo hướng: thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành một điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 1 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên. Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện  trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Với cách tiếp cận này, dự thảo Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, dự thảo Luật thiết kế một chương quy định về quản lý nhà nước nhằm mục đích giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đặc biệt là việc ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để triển khai chính sách đối với thanh niên được quy định trong Luật.

Theo nhận định của ĐBQH Trương Phi Hùng (Long An), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của ĐBQH nên dự thảo Luật lần này đã đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa đường lối của Đảng, Hiến pháp 2013 về thanh niên. Quy định rõ trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội, với người thân cũng như những chính sách của Nhà nước với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình với thanh niên. Điều này tạo hành lang pháp lý phù hợp để thanh niên thực hiện sứ mạng to lớn của mình và bảo đảm tính thực thi khi đưa luật vào suộc sống.

Có cần quy định Tháng Thanh niên?

Về Tháng Thanh niên (Điều 9), một số ý kiến nhất trí với sự cần thiết quy định tháng 3 là Tháng Thanh niên. Một số ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể hơn mục đích, nội dung của Tháng Thanh niên để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với thanh niên, tránh hình thức, phong trào. Có ý kiến đề nghị giao Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt, là cơ quan thường trực trong việc phối hợp với chính quyền tổ chức chương trình này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về mục đích tổ chức Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên. Đồng thời, quy định trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên.


ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh)
Ảnh: Quang Khánh

Đồng tình với việc tổ chức Tháng Thanh niên, song ĐBQH Trần Thị Vĩnh Nghi (Cần Thơ) đề nghị, cần cân nhắc giao Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp theo hướng là cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Tháng Thanh niên và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là cơ quan thường trực làm công tác tham mưu thực hiện Tháng Thanh niên. Nếu quy định như dự thảo Luật có thể dẫn đến không đồng đều về việc tổ chức Tháng Thanh niên.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự băn khoăn khi xuyên suốt dự thảo Luật đều nói về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, đặc biệt tại Điều 2 nêu rõ: Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, nhà trường, gia đình, tổ chức thanh niên, cá nhân và các tổ chức khác đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Và Điều 4 quy định: Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên có các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Như vậy, xuyên suốt một năm với 12 tháng thanh niên đều thực hiện quyền, nghĩa vụ mà dự thảo Luật quy định, thậm chí rất nhiều việc lớn cho Tổ quốc. Trong khi đó, Điều 9 quy định tháng 3 là tháng hành động của thanh niên thì cả năm có một tháng khác nhưng vẫn làm những việc đó. Như vậy thì thì chi phí tài chính sẽ thế nào trong Tháng Thanh niên - ĐB Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi, có cần thực hiện Tháng Thanh niên hay không khi đương nhiên họ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên?

T. Thành