Nhà nước định giá sách giáo khoa

Cần thiết hay sẽ làm “phá sản” chủ trương xã hội hóa?

- Thứ Ba, 14/07/2020, 08:14 - Chia sẻ
Chiều nay (14.7) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Bên cạnh ý kiến khẳng định việc Nhà nước điều tiết giá SGK bằng hình thức định giá là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, cũng có quan điểm cho rằng làm như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn, in và xuất bản SGK để tránh độc quyền sẽ có nguy cơ phá sản.

Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới GS. NGUYỄN MINH THUYẾT: “Tiền nào của nấy”

Hiện tại, đưa SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là không khả thi, đi ngược với chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK. Lẽ ra trước khi Nhà nước công bố xã hội hóa SGK thì cần nói rõ đây là mặt hàng do Nhà nước định giá. Ngoài ra, Luật Giá không quy định SGK nằm trong danh mục định giá. Bởi vậy, vì lý do nào đó mà đem SGK ra định giá trần là không hợp lý.

Trước khi định giá SGK, nhà xuất bản phải kê giá với Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ Tài chính mới căn cứ vào mức định giá của Nhà nước để xem xét kê giá đó có hợp lý hay không. Việc định giá trần SGK nếu như quá thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả nhà xuất bản và người tiêu dùng. Để cạnh tranh, các nhà xuất bản có thể cắt giảm chất lượng như in đen trắng, in trên giấy xấu hơn, khiến các em học sinh không được sử dụng một bộ SGK đẹp, đạt chuẩn.

Trong cơ chế thị trường, tiền nào của đấy, của tốt thì tiền cao. Vùng nào không có điều kiện, Nhà nước có thể hỗ trợ giá hoặc mua sách cho thư viện rồi cho học sinh mượn, chứ không nên ép chung một mức giá. Việc áp đặt một mức giá bán sẽ khiến cho các nhà xuất bản mới gia nhập thị trường bị thua lỗ và không thể tiếp tục theo đuổi cuộc chơi. Hệ quả là chủ trương xã hội hóa biên soạn, in và xuất bản SGK để tránh độc quyền sẽ có nguy cơ phá sản. 

Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông TRẦN TRÍ ĐẠT: Định giá trần sách giáo khoa là hợp lý

Trong giai đoạn đầu, chi phí biên soạn SGK hoàn toàn do các nhà xuất bản tự trang trải (trước đây Nhà nước hỗ trợ một số chi phí như chi phí bản thảo, dạy thực nghiệm, chi trả nhuận bút lần đầu…- PV) nên giá SGK đang ở mức cao. Việc này tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Vì vậy, bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là hợp lý, tạo sự cạnh tranh công bằng cho các nhà xuất bản. Định giá trần SGK cũng giống như đấu thầu, cần phải đưa ra giá trị gói thầu để các doanh nghiệp cạnh tranh. Điều này khiến cho các nhà xuất bản nếu định giá quá cao so với thực tế thì sản phẩm sẽ không thể cạnh tranh được, và nhà xuất bản đó chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Điều quan trọng là nếu SGK được bổ sung vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, thì các cơ quan chức năng có quyền được kiểm soát, điều tiết giá loại mặt hàng này. Qua đó, giúp người tiêu dùng vừa tiếp cận SGK với giá hợp lý, vừa bảo đảm được chất lượng biên soạn, in ấn. Tuy nhiên, Nhà nước cũng phải tính toán đưa ra một mức giá trần hợp lý để cân đối hài hòa lợi ích giữa các nhà xuất bản và mục đích phục vụ xã hội.

Chuyên gia kinh tế, TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: Giá trần sách phải phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất

SGK là một loại hàng hóa đặc biệt. Bởi vậy, Nhà nước cần định giá cụ thể cho từng bộ SGK theo đúng phương pháp quản lý giá. Khi đưa SGK vào danh mục Nhà nước định giá thì mới có thể tạo cơ chế để quản lý được mặt hàng này.  

Ngoài ra, việc định giá trần SGK cần phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất của doanh nghiệp, có tính đến mức lợi nhuận hợp lý để họ có điều kiện và động lực làm ra những bộ sách có chất lượng. Khi có biến động về giá cần có điều chỉnh lên - xuống phù hợp, đồng thời bảo đảm nguyên tắc công bằng xã hội và quyền lợi cho học sinh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần trợ giá và doanh nghiệp giảm giá bán sách cho các đối tượng gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã hội.

Thị trường SGK mới được hình thành với cơ chế có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn và còn thay đổi trong thời gian tới. Bởi vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện và cơ chế hợp lý để thị trường SGK vận hành. Hiện tại, biện pháp tốt nhất để có một thị trường SGK cạnh tranh công bằng, bình đẳng là thực hiện chính sách định giá của Nhà nước.

Qua khảo sát, cho thấy tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều nhưng giá của cả bộ SGK mới cao hơn giá của cả bộ SGK lớp 1 hiện hành từ 3,3 lần - 3,7 lần. Cụ thể, sách mới có giá từ 179.000 - 199.000 đồng/bộ (gồm cả SGK điện tử), trong khi SGK hiện hành có giá là 54.000 đồng/bộ.

Một phần nguyên nhân sự chênh lệch giá là do bộ SGK lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn, kỹ thuật trình bày, in ấn có thay đổi so với bộ SGK hiện hành. SGK lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn bộ SGK hiện hành từ 1,5 đến 1,7 lần (bộ SGK mới gồm từ 9 đến 10 quyển, bộ SGK hiện hành chỉ có 6 quyển); ngoài ra bộ SGK mới in khổ sách lớn hơn; số trang, số màu in nhiều hơn; hình thức và loại giấy in đẹp, chất lượng hơn so với SGK hiện hành.

Trong Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức tối đa, Chính phủ cho biết, qua thực tế kê khai giá sách theo quy định tại Luật Giá cho thấy mục tiêu điều tiết về giá sách không thực sự hiệu quả. Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp cấp bách điều tiết bảo đảm công bằng giữa các nhà xuất bản.

 

Kiều Trang thực hiện