Sổ tay

Cần thí điểm, có lộ trình

- Thứ Bảy, 29/09/2018, 08:46 - Chia sẻ
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe đối với người vi phạm thay vì tước bằng lái có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính rồi trả lại.

Trước đây đã có các khung xử phạt hành chính với lái xe vi phạm giao thông, cụ thể từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng phương thức “bấm lỗ”. Theo đó, nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì lái xe phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, lái xe phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới.

Tuy nhiên, việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe có một số vấn đề bất cập như: không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Chưa kể những tiêu cực nảy sinh khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì sẵn sàng vứt bỏ, tìm mọi cách “chạy” bằng lái mới. Do đó, năm 2007, Nghị định 146 được ban hành chính thức bãi bỏ quy định “bấm lỗ trên bằng lái xe”. Hiện nay,  đang áp dụng hình thức tước giấy phép lái xe có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính xong thì trả lại bằng lái xe cho người vi phạm.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết: Cách thức này dẫn tới tình trạng “phạt cho tồn tại”, không những không hạn chế được vi phạm giao thông, mà làm gia tăng tình trạng vi phạm. Thực tế đó đang đi ngược xu hướng của thế giới. Vì vậy, để hạn chế vi phạm giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đang nghiên cứu đề xuất quy định trừ điểm trực tiếp trên giấy phép lái xe đối với người vi phạm. Cụ thể, với cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe cập nhật trên hệ thống điện tử, việc áp dụng công nghệ sẽ góp phần bảo đảm cho công tác xử lý vi phạm giao thông. Khi bị trừ 50% điểm trên giấy phép lái xe, chủ sở hữu phương tiện sẽ có nguy cơ bị tước giấy phép lái xe nếu tái diễn vi phạm.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, hình thức xử phạt trừ điểm hiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Đơn cử tại Trung Quốc, người tham gia giao thông nếu mắc lỗi về nồng độ cồn sẽ bị trừ 6/12 điểm và nhận cảnh cáo; trường hợp bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại bằng lái xe. Thực tế ở các nước không xử lý người vi phạm bằng phương thức xử phạt xong trả lại bằng lái xe cho người vi phạm, vì hình thức này sẽ dẫn đến “nhờn luật”. Vì vậy, nếu áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe mỗi khi lái xe vi phạm thì sẽ hạn chế được tiêu cực, quyết định xử phạt có tính răn đe, giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn.

Ông Bùi Danh Liên - Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra quan điểm:  Với tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trong đó có lỗi trực tiếp của người điều khiển phương tiện thì việc siết chặt công tác quản lý giấy phép lái xe là điều cần thiết. Tuy nhiên, đề xuất này là một vấn đề mới, tác động đến quyền lợi của nhiều người dân, nhiều loại giấy phép lái xe (vận tải, hành khách, cá nhân,…) nên cần nghiên cứu thấu đáo, lấy ý kiến rộng rãi. Vì thực tế từng có quy định cắt ô, bấm lỗ nhưng đều bị bãi bỏ do không đáp ứng được yêu cầu thực tế, mục tiêu không đạt được. Nếu áp dụng quy định trừ điểm thì nên thực hiện thí điểm trước chứ không nên triển khai đại trà ngay tức khắc.

Không phủ nhận, đề xuất trừ điểm vào giấy phép lái xe của lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông là rất hay, rất khả thi, nếu quy định thực hiện được sẽ góp phần nâng cao ý thức của các lái xe. Song nhìn lại những bài học “bấm lỗ” đã được triển khai thực hiện trước đó cho thấy, để thực hiện quy định “trừ điểm”, Cục Cảnh sát giao thông cũng cần xem xét kỹ lưỡng về tính khả thi, việc thực hiện đề xuất cũng phải có lộ trình, ngoài cơ sở vật chất thì cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, có sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức  năng nhằm bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả. 

Trần Hải