Tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về Chiến lược biển”

Cần sự đầu tư thích đáng

- Thứ Ba, 12/05/2020, 17:26 - Chia sẻ

Đánh giá trình độ khoa học trong ngành Dầu khí, nhìn từ  góc độ quản lý nhà nước tôi cho rằng chúng ta phải nhắc đến 02 giải thưởng Nhà nước, 03 giải thưởng Hồ Chí Minh. Các giải thưởng này đóng góp cho sự phát triển của ngành Dầu khí cũng như ghi nhận và đánh giá phần nào tính thực tiễn của khoa học với ngành này.

Về đào tạo nhân lực, chúng ta có Viện Dầu khí, trường Đại học Dầu khí, Khoa Dầu khí Đại học Mỏ địa chất… Từ những nôi đào tạo này cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ cho ngành Dầu khí phong phú, nhân lực khá dồi dào.

Xem lại lịch sử đóng góp của ngành Dầu khí có những giai đoạn như 2006-2008, ngành Dầu khí đã đóng góp cho ngân sách tới 22% nhưng nguồn tiền mà ngành đóng góp được sử dụng vào nhiều việc khác, chưa quay trở lại đầu tư thích đáng cho ngành Dầu khí. Có những giai đoạn chúng ta chưa trọng tâm vào phát triển khoa học trong ngành nên khó hội nhập với nền kinh tế thế giới, không có tầm nhìn trong việc lấy khoa học là nền tảng của sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí.

Vì vậy, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cần có đầu tư thích đáng cho ngành dầu khí; trong đó phải hình thành quỹ công nghệ để phát triển công nghiệp dầu khí và phát triển kinh tế biển.

Điều 46 của Luật Khoa học công nghệ có quy định có mục chi cho khoa học, tôi cho rằng, đây là việc quan trọng để đầu tư cho khoa học ngành Dầu khí một khoản kinh phí nhất định.

TS Nghiêm Vũ Khải, ĐBQH, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Đinh Loan lược ghi