Cần quy trình, thủ tục và chuẩn mực

- Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:22 - Chia sẻ
Truyền thông xã hội không tồn tại trong một môi trường chân không. Việc sử dụng công cụ này cần phù hợp với thực tế và cân bằng với các hình thức giao tiếp truyền thống khác của nghị viện; cần phải tuân theo những quy định chung về quy trình, thủ tục nghị trường, những chuẩn mực về quy tắc ứng xử của nghị sĩ. Hơn nữa, cũng cần chú ý đến những vấn đề về kỹ thuật, an ninh mạng, bí mật quốc gia và đời tư, uy tín của nghị viện…

Những mạng lưới hình thành nên nhờ các phương tiện truyền thông xã hội không phải là trung tính, mà phản ánh những quan điểm, ý kiến, tâm trạng của các thành viên; và rộng hơn là phản ánh quyền lực và phản quyền lực trong xã hội. Khi một ai đó đăng tải hoặc tham gia qua trang mạng truyền thống, người đó làm chủ, có thể xác định được điều kiện tham gia, kiểm soát ai tham gia, bằng cách nào. Nhưng đối với truyền thông xã hội, người đó không làm chủ, mà đã có sẵn những quy tắc chính thức và không chính thức kiểm soát sự vận hành của mạng lưới và hành vi của mỗi thành viên. Truyền thông xã hội ít chính thống hơn, ít chịu kiểm soát hơn, mở hơn; ít tôn trọng quan điểm, truyền thống hơn, đối thoại diễn ra nhanh hơn nhiều so với phương tiện truyền thông truyền thống.

Với những đặc điểm này, truyền thông xã hội có thể là thách thức đối với những thiết chế chính thống như nghị viện. Nghị viện sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một mức độ thể hiện phù hợp. Nếu quá nghiêm túc, chính thống thì sẽ không thu hút công chúng; nhưng nếu quá dân dã thì cũng không nên. Làm sao để mang đến sự trang trọng, nghiêm túc của nghị viện một cách thu hút, dễ gần thông qua truyền thông xã hội. Chẳng hạn như nghị viện châu Âu xây dựng chiến lược thu hút công chúng, sử dụng truyền thông xã hội để tăng cường sự hiểu biết và quan tâm của người dân đối với nghị viện. Cơ quan này đã áp dụng những tiện ích của Facebook để người dân có thể chat với các nghị sĩ, tìm kiếm nghị sĩ của mình, kết nối với các trang Facebook của nghị sĩ.

Sai lầm xảy ra khi coi truyền thông xã hội như một môi trường thực ngoài đời, trong khi đó là một kênh giao tiếp gián tiếp. Nghị sĩ được thoải mái hơn so với nhân viên giúp việc khi sử dụng truyền thông xã hội để bày tỏ quan điểm chính trị của mình, để thực hiện vai trò đại diện. Tuy nhiên, không vì thế mà không có những giới hạn. Quy tắc vàng đối với nghị sĩ là: “Nếu quý vị không được chờ đợi nói lên điều đó thì đừng có nói”, hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải.

Một trong những vấn đề được chú ý là việc nghị sĩ sử dụng truyền thông xã hội tại hội trường lớn hoặc phòng họp ủy ban. Nhiều nghị viện chấp thuận cho nghị sĩ làm việc này như một công cụ hỗ trợ cho hoạt động nghị trường. Tuy nhiên, cũng có giới hạn như chỉ được đưa lên các bình luận bằng lời mà không phải là hình ảnh, video; giống như đối với các bài phát biểu, những lời bình luận của nghị sĩ trên truyền thông xã hội cũng phải tuân theo các quy tắc ứng xử, ví dụ không được có những từ ngữ thái quá, quá khích, thô bạo, phân biệt chủng tộc… Bên cạnh đó, những lời bình luận như vậy vẫn có thể bị kiện ra tòa mà không được hưởng đặc quyền của nghị sĩ như đối với các bài phát biểu tại hội trường hoặc phòng họp ủy ban.

Hoài Thu