Bài toán an ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Cửu Long:

Cần “nhìn xa, trông rộng”

- Thứ Hai, 13/07/2020, 07:20 - Chia sẻ
Trong hai khóa làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và thêm một khóa làm công tác nghiên cứu, tôi nhận thấy Quốc hội luôn dành sự quan tâm thích đáng đến công tác thủy lợi thông qua việc quyết định đầu tư, bố trí vốn, giám sát tiến độ thực hiện các công trình, dự án thủy lợi quan trọng trong cả nước.

“Cả tỉnh thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trầm trọng”

Lần này, được tham gia Đoàn khảo sát chuyên đề về an ninh nguồn nước do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, tôi vui mừng gặp lại những chuyên gia đầu ngành về thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như các anh: Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng; Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình; Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… - những người vốn đã có nhiều gắn bó qua những chuyến công tác của Ủy ban Tài chính - Ngân sách giai đoạn 2007 - 2016.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác khảo sát tại cống đập Ba Lai, Bến Tre
Ảnh: Trung Thành

Có lẽ câu chuyện an ninh nguồn nước ở ĐBSCL chưa bao giờ lại nóng như ngày hôm nay khi xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 được coi là cực đoan, khốc liệt, phức tạp nhất và tác động tiêu cực nhất tới sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây trong hơn 300 năm qua. Tần suất hạn mặn cực điểm trước đây phải cả hơn chục năm mới có, nay thì 3 - 5 năm đã lặp lại tùy thuộc vào diễn biến nước ở thượng nguồn và thời tiết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, với 65km bờ biển, 6.000km kênh rạch, năm nay mặn đến sớm, xâm nhập sâu, lâu ở mức cao trên tất cả tuyến sông chính, kênh nội đồng. Đặc biệt, tại các nhà máy nước khu vực các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Bình Đại,… độ mặn đạt trên 10trong nhiều tháng liền. Cả tỉnh thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trầm trọng. Chỉ tính riêng nông nghiệp thiệt hại khoảng 1.600 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Để ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, Bến Tre đã được đầu tư nhiều công trình, hệ thống thủy lợi ở cả hai tiểu vùng Bắc và Nam Bến Tre. Nhiều dự án thủy lợi sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và trái phiếu Chính phủ đang được thực hiện. Đến năm 2023, Bến Tre sẽ cơ bản chủ động ngăn mặn, trữ nước ngọt nếu sớm được đầu tư thêm 5 cống lớn, 11 cống nhỏ ở huyện Chợ Lách và một số cống ở hai huyện Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú. 

Ở Kiên Giang, qua nhiều thế hệ, hệ thống thủy lợi đã khá phát triển với hơn 12.000km sông, kênh rạch, tuyến đê biển và hệ thống cống trên đê, bờ bao kiểm soát lũ, thủy lợi nội đồng, được vận hành hợp lý, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do các công trình ngăn mặn chưa được khép kín theo quy hoạch để phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai nắng nóng, thiếu mưa, thiếu nước đầu nguồn sông Cửu Long, nên sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở nơi khan hiếm nguồn nước, nước ngầm không sử dụng được, nước mặt bị ô nhiễm, xâm nhập mặn kéo dài. Theo chuyên gia thủy lợi Hoàng Văn Thắng, thủy lợi vùng bán đảo Cà Mau là khó nhất Việt Nam và có lẽ cũng là khó nhất thế giới do đây là vùng đất rất thấp, đa phần chỉ cao 0,5m so với mực nước biển, lại bị ảnh hưởng của hai con triều biển Đông và biển Tây, hàng năm vừa bị lún khoảng 2 - 3cm vừa bị nước biển dâng 1cm, nguồn nước ngọt chủ yếu phụ thuộc vào sông Cửu Long.

Tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi liên vùng

Với mục tiêu kiểm soát nguồn nước mặn - ngọt - lợ, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, tiến tới sản xuất ổn định, bền vững các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ luân phiên trên diện tích tự nhiên hơn 384.000ha, trong đó có trên 346.000ha sản xuất nông nghiệp, thủy sản; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai hạn, mặn vào mùa khô, giảm ngập úng do sụt lún; kết hợp phát triển giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, Nhà nước đã đầu tư xây dựng Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 3.309 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Các ĐBQH vui mừng khi được tận mắt thấy Cống Cái Lớn, công trình thủy lợi lớn và hiện đại nhất ĐBSCL đang được khẩn trương thi công với công nghệ mới, thực hiện dưới nước nên tiết kiệm được nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, làm đường thi công. Chính nhờ các biện pháp thi công tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao mà tiến độ dự án rút ngắn được 1 năm, để đến tháng 2.2021 đủ điều kiện ngăn mặn, phục vụ sản xuất.

Cũng biết là vấn đề thủy lợi ở ĐBSCL luôn phức tạp từ kỹ thuật đến quan điểm tiếp cận, tuy nhiên với các luật do Quốc hội đã ban hành như: Luật Thủy lợi; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Tài nguyên nước; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Giá; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…, các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như Chiến lược Thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 7.1.2020, hay Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 2.3.2020…, cơ bản chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng kế hoạch, đề xuất các công trình, dự án cụ thể trong trung, dài hạn để từng bước giải quyết vấn đề thủy lợi ĐBSCL.

Trao đổi với lãnh đạo hai tỉnh: Bến Tre và Kiên Giang, hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo công tác thủy lợi cho ĐBSCL trên cơ sở tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố trước mắt và lâu dài một cách khoa học, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể hệ thống thủy lợi ĐBSCL, có trật tự ưu tiên, kết hợp giữa thủy lợi với giao thông, điều phối nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, vừa thuận thiên vừa thích nghi có kiểm soát, ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao trong vận hành hệ thống nhịp nhàng, hợp lý, chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, sắp xếp lại dân cư, thay đổi tập quán sinh hoạt theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Đồng thời, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước, có lộ trình giảm dần hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu, đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới vấn đề an ninh nguồn nước để làm mục tiêu phấn đấu.

Chỉ có tầm nhìn xa dăm, bảy mươi năm, cùng quyết tâm chính trị và bản lĩnh của người lãnh đạo, nỗ lực của người dân mới có thể mở đường cho ĐBSCL thích nghi với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và kiểm soát được hạn, mặn để phát triển bền vững. Trước mắt, trong giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục tập trung đầu tư các hệ thống thủy lợi liên vùng để cơ bản bảo đảm khắc phục được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

TS. Trần Văn - ĐBQH khóa XII, XIII