Cần nhìn nhận đường sắt là ngành kinh tế cơ bản

- Thứ Hai, 11/05/2020, 16:43 - Chia sẻ
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong vòng 3- 4 năm trở lại đây, ngành Đường sắt đã có những đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ từ việc nhỏ nhất… Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng những đổi mới này vẫn còn phụ thuộc vào tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, đặc thù của đường sắt là kinh tế kỹ thuật nên chúng ta cần nhìn nhận đó là ngành cơ bản để có cái nhìn toàn diện.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Hiện đầu tư đường sắt chỉ chiếm từ 2-3% nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải nên thị phần vận tải đường sắt khó mà đủ lớn khi hàng không, đường thủy, đường bộ được đầu tư làm mới và phát triển liên tục. Mặc dù trên lý thuyết và thực tiễn, giao thông đường sắt có vai trò thực sự quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng theo ý kiến của một số các chuyên gia, cử tri, sự đóng góp của ngành vận tải này trong những năm qua còn mờ nhạt.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nhìn lại lịch sử đường sắt Việt Nam, đặc biệt là quá trình xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai gắn liền với việc thực hiện đô hộ của Pháp ở miền Bắc; tuyến đường sắt Hà Nội – Yên Bái gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Trong suốt thời gian 7 năm Pháp phải hòa hoãn với nghĩa quân để tổ chức và xây dựng xong tuyến đường sắt Hà Nội – Yên Bái. Hay tuyến đường sắt Hà Nội – Côn Minh trong hiệp định sơ bộ khi đưa quân Tưởng ra khỏi miền Bắc năm 1945 thì cam kết đầu tiên là Pháp phải nhượng quyền khai thác tuyến này cho đối tác. Như vậy, ngay từ thuở khai sinh, vai trò đường sắt đối với quốc phòng, an ninh là rất lớn.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Kiên trăn trở, là một đại biểu có nhiều năm hoạt động nghị trường trong nhiều khóa, đến thời điểm này có thể nói khâu không thành công nhất của tôi là không thuyết phục được QH thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam. Bởi khi đó, chúng ta không nhìn nhận đường sắt như một ngành khoa học kỹ thuật mà chỉ nhìn nhận nó là dự án 60 tỷ đô!

Theo ông Kiên, cái khó khăn nhất là sự thay đổi về tư duy. Nếu chúng ta xác định ngành Đường sắt làm để thu hồi vốn và lợi ích nó mang đến thì không thể làm được. Thực tế tại các nước khác trên thế giới cũng chứng minh, tất cả hạ tầng đường sắt đều phải do Nhà nước đầu tư. Vấn đề ở đây là thay đổi tư duy về ngành đường sắt sẽ mang lại sự lan tỏa kinh tế của xã hội, làm giảm chi phí logistic, tạo sự thuận lợi đi lại với người dân thì đó chính là giá trị đầu tư, chứ không phải giá trị của tổng công ty đường sắt, hay bất kỳ một tổng công ty nào tham gia vào phát triển đường sắt.

TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, trong vòng 3- 4 năm trở lại đây, ngành Đường sắt cũng có những thay đổi, tự đổi mới các ứng dụng khoa học công nghệ từ việc nhỏ nhất là nâng ke ga ở một số ga để bằng với mặt sàn của tàu, áp dụng công nghệ mới xử lý khu vệ sinh trong các toa đường dài… Dù rất cố gắng nhưng còn phụ thuộc vào tổng vốn đầu tư.

Bảo Ngân