Cân nhắc việc bổ sung quy định về thời hạn giám định

- Thứ Ba, 12/05/2020, 16:23 - Chia sẻ
Liên quan đến việc bổ sung quy định về thời hạn giám định quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, cũng có đại biểu đồng tình, nhưng cũng có ý kiến không đồng ý và cho rằng với việc bổ sung quy định về thời hạn giám định như dự luật sẽ gây ra rất nhiều bất cập, vướng mắc sau này. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc và rà soát kỹ.

Hiện nay, chúng ta có 3 luật tố tụng là tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, và cả 3 luật đều đặt ra nguyên tắc. Tại Điều 3, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định như sau: “Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải tuân theo quy định của luật này”. Tức là tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự là mọi hoạt động và người tham gia tố tụng bao gồm là giám định viên được xác định là người tham gia tố tụng.


Ảnh: Quang Khánh

Tương tự như vậy, tại Điều 7 của Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định: Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Và giám định tư pháp là hoạt động của tố tụng hình sự. Chính vì nguyên tắc của 3 đạo luật về tố tụng như vậy cho nên từ trước đến nay, các luật giám định mặc dù được sửa qua các lần thì đều không có quy định về thời hạn giám định. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp lần này sửa đổi bằng cách là bổ sung Điều 26a quy định về thời hạn giám định và việc gia hạn giám định.

Qua rà soát, xin nêu một số bất cập do việc bổ sung thời hạn:

Một là, việc bổ sung thời hạn này sẽ dẫn đến mâu thuẫn với thời hạn giải quyết án. Cụ thể, với việc quy định như dự thảo thì thời hạn giải quyết án trong các bộ luật tố tụng ngắn hơn thời hạn giám định. Ví dụ như thời hạn giải quyết án dân sự trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử của một vụ án dân sự tại Điều 203 quy định thời hạn tối đa là 3 tháng, trong khi đó theo dự thảo Luật thì thời hạn giám định tối đa được phép 4 tháng đối với loại phức tạp - có nghĩa thời hạn giám định lại dài hơn cả thời hạn chuẩn bị xét xử. Tương tự như vậy, theo Điều 240 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì thời hạn truy tố đối với tội ít nghiêm trọng cũng với tính chất phức tạp được gia hạn chỉ là 1 tháng, nhưng thời hạn giám định ở đây lại lên đến 4 tháng. Chúng tôi cũng không biết là sau này đưa ra quy định này thực hiện trong thực tế sẽ vướng như thế nào?

Hai là sẽ rất khó khăn trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Ví dụ, trong giai đoạn điều tra hiện nay, Bộ luật Tố tụng Hình sự đang quy định tất cả các loại gia hạn thời hạn bao gồm gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn tạm giam đều phải do viện kiểm sát quyết định. Bây giờ đặt ra trường hợp là cả thời hạn điều tra và cả thời hạn giám định cùng hết trong một thời điểm, thì bây giờ lại phải chờ cho cơ quan viện kiểm sát gia hạn thời hạn điều tra mới được tiếp tục gia hạn thời hạn giám định - như vậy sẽ làm chậm vụ án.

Thứ ba, dự thảo Luật đặt ra vấn đề không đúng, vì cũng có những trường hợp gần đến hết thời hạn điều tra mới phát sinh những vật chứng mới, tài liệu mới cần phải giám định, mà bây giờ chỉ còn 10 ngày đã hết thời hạn điều tra, nhưng lại quy định 3 tháng hoặc 4 tháng mới được hết thời hạn giám định là rất vướng. 

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)
Nguyễn Vũ ghi