Phiên họp thứ 38 của UBTVQH:

Cân nhắc thận trọng các nội dung sửa đổi

- Thứ Sáu, 24/04/2020, 19:09 - Chia sẻ
Sáng 16.10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu điều khiển phiên họp

Đánh giá tác động việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

Theo Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp.Tuy nhiên, một số nội dung của Luật khôngcòn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành. Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ. Vì vậy, sửa đổi Luật Doanh nghiệp hiện hành nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới); nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi 66 điều của Luật hiện hành, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 1 chương và 8 Điều (bổ sung chương VIIa về hộ kinh doanh, gồm 5 Điều). Trong đó, các nội dung được sửa đổi, bổ sung liên quan tới: đăng ký doanh nghiệp; quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; khái niệm và các quy định về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần vốn nhà nước...

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh,việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật liên quan tới doanh nghiệp. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đây là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; quy định về nhóm công ty. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Có ý kiến đề nghị, nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp.

Các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết và cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình QH xem xét, cho ý kiến.

Các thành viên UBTVQH cũng cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ sự thiếu thống nhất của Luật hiện hành với hệ thống văn bản pháp luật ở điều khoản nào, văn bản luật nào? Nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật nhằm tránh xung đột, chồng chéo giữa các văn bản luật, tránh tình trạng càng sửa càng chồng chéo, càng mâu thuẫn; cụ thể hóa tối đa các quy định của luật, tránh tình trạng giao Chính phủ quy định nhiều điều khoản, đồng thời, cần đánh giá sâu về tác động, tính khả thi của dự án Luật trên tất cả các khía cạnh.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Đối với những điều khoản bãi bỏ (như quy định về kiểm soát, con dấu doanh nghiệp...), các Ủy viên UBTVQH đề nghị, Chính phủ cần cân nhắc và rà soát kỹ nhằm bảo đảm sửa đổi luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng vẫn phải bảo đảm hợp lý trong công tác quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Về phạm vi điều chỉnh, đa số các ý kiến cho rằng, Chính phủ cần thận trọng và cân nhắc kỹ việc có nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hay không. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần đánh giá tác động của vấn đề này, bởi việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sẽ tác động tới hàng triệu hộ kinh doanh ở nước ta hiện nay.Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ngoài những lợi ích như quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện...) thì chưa thấy có điểm gì mới nhằm tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển. Trong khi đó, mục đích ban hành dự thảo Luật này là nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp.Do đó, các Ủy viên UBTVQH đề nghị, cần cân nhắc thận trọng vấn đề này.

Tránh làm phức tạp hay tạo xung đột mới

Trình bày Tờ trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 với những nội dung chủ yếu gồm: nhóm quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh; nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện; nhóm các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; nhóm các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài...

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày,Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của Luật, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế. Về hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ,đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình QH xem xét, cho ý kiến.


Toàn cảnh phiên họp

Về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9 dự thảo Luật), danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành Tờ trình và dự thảo Luật giao Chính phủ quy định Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường. Loại ý kiến thứ hai đề nghị xây dựng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường ngay trong Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Luật, nhất là Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường. Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến thứ hai nhằm bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ trong chính sách đầu tư.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh song đề nghị, Chính phủ rà soát lại các phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm bảo đảm những vấn đề, nội dung được bổ sung hay bãi bỏ sẽ không tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư hiện nay, tránh làm phức tạp hay tạo xung đột mới, nhất là với những dự án đang triển khai.

Các Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị rà soát lại sự thống nhất của dự án luật với những luật hiện hành có liên quan, tránh gây chồng chéo hoặc làm nảy sinh xung đột mới. UBTVQH nhấn mạnh, Chính phủ cầnkhẳng định được khi sửa Luật Đầu tư thì sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế và những xung đột hiện nay.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm đến những điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của người dân, đầu tư nước ngoài, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài... Những nội dung này cần phải được quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật, thay vi giao Chính phủ quy định.

Từ Thức