Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Cân nhắc kỹ việc tách thành hai luật

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:14 - Chia sẻ
Tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với việc trình dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo đúng chương trình đề ra, Chính phủ còn trình thêm dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đề nghị bổ sung dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Do hai vấn đề kết cấu hạ tầng và điều hành giao thông đường bộ có liên quan, bổ trợ lẫn nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ phải cân nhắc rất kỹ việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật.

Không rõ lý do thu hẹp phạm vi điều chỉnh

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự án Luật lần này có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định về giao thông đường bộ gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Q. Khánh

Về vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trên công luận, trên báo chí cũng có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. Có ý kiến ủng hộ đổi mới, cần chuyển sang cho ngành công an. Có ý kiến đề nghị giữ như cũ. Ở chỗ này chúng ta cũng phải đánh giá tác động thật kỹ. Tại sao trước năm 1995, lúc đó Bộ Công an, ngành công an làm việc này, nhưng từ năm 1995, mấy chục năm trở lại đây thì Quốc hội, Chính phủ lại giao cho Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện?

Trong thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đạt được một số kết quả nhưng cũng có nhiều bất cập, hạn chế và tồn tại. Nhưng có phải vì thực tiễn làm chưa tốt đó để chúng ta lại thay đổi một quy định đã có cơ sở lý luận và thực tiễn hay không? Ngoài ra, tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Giao thông đường bộ hiện hành, các cơ quan chức năng cho biết, hiện có hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên chức, công chức của lĩnh vực này, rồi hàng nghìn cơ sở đào tạo, sát hạch của ngành giao thông. Khi chuyển sang cơ quan chức năng thực hiện cần tính toán kỹ tác động về mặt kinh phí thực hiện, ngân sách Nhà nước.

Quan điểm của tôi là có những việc chúng ta phải xác định nên để ngành công an thực hiện như kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, xử lý những điểm đen, cấp biển số xe, kiểm soát. Những việc này đúng chức năng của ngành công an và công an làm mới tốt. Những việc khác thì trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ngành hữu quan, UBND các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Như vậy, các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) mà sẽ được điều chỉnh tại dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cũng được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong phiên họp sáng 16.9. 

Tại Tờ trình dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Chính phủ không nêu rõ lý do vì sao lại thu hẹp phạm vi điều chỉnh so với Luật hiện hành, thậm chí cũng thu hẹp so với phạm vi điều chỉnh của hồ sơ dự án Luật khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Để nhìn rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phạm vi sửa đổi, đối tượng điều chỉnh, các chính sách quản lý giao thông đường bộ được quy định trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã được thể hiện ngay từ Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ các năm 2001, 2008 đều rộng là do giao thông đường bộ là sự kết hợp giữa giao thông tĩnh và giao thông động.

“Giao thông tĩnh là cơ sở hạ tầng, hành lang an toàn giao thông, dải phân cách, biển hiệu. Những hệ thống đó là giao thông tĩnh. Giao thông tĩnh này cũng gắn kết với giao thông động - là phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, quy tắc an toàn giao thông, các biện pháp để xử lý sự cố giao thông, tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật về giao thông. Nếu tách hai lĩnh vực này thì không còn tổng thể của giao thông đường bộ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích.

Nếu tách lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng có nghĩa là dự luật sẽ điều chỉnh chủ yếu đối với hạ tầng giao thông. Nếu "khuôn" trong phạm vi này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng vì vấn đề đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ nữa mà sẽ do các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước... điều chỉnh.

Đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Luật Giao thông đường bộ hiện hành, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, là do hạ tầng giao thông đường bộ gắn với mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Không phải ngẫu nhiên trước đây Quốc hội và Chính phủ đều thống nhất phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ bao gồm cả giao thông tĩnh và giao thông động. Việc điều chỉnh với cả hai lĩnh vực này trong Luật hiện hành nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hơn nữa, qua đọc kỹ hai dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận thấy, giữa dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có một số trùng lặp, chồng lấn chưa "thoát" ra được.

Sẽ điều chỉnh như thế nào với các luật giao thông khác?

Đưa ra một vấn đề khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, hiện có 5 luật về giao thông gồm: Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng, Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải. Các luật và bộ luật này là một kết cấu tổng thể, với mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong mỗi lĩnh vực.

Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, không chỉ có kết cấu hạ tầng đường bộ và điều hành giao thông đường bộ khó tách rời nhau mà nếu tách hai lĩnh vực này ra cũng sẽ khó trả lời với các bộ luật, luật về giao thông có liên quan. Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng, việc phân nhiệm vụ, quyền hạn giữa Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an, thậm chí của cơ quan khác hoàn toàn có thể quy định trong một luật, không nhất thiết phải tách ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chỉ ra một vấn đề nảy sinh khác từ việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật. Theo ông, trong một tổng thể nếu tách thành hai luật điều chỉnh, do hai bộ quản lý thì khi đi đến sự thống nhất trong quản lý hệ thống sẽ phức tạp. Đưa ra ví dụ thực tế từ quá trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, có lĩnh vực đang tách ra hai bộ quản lý và đi theo hai hướng khác nhau, sau đó thống nhất rất khó. Mỗi bộ đều chứng minh thế mạnh của bộ, ngành đó và không thống nhất được.

Có thể thấy, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã phân tách, bảo đảm được mức độ nhất định, tính riêng biệt so với dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Song, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, giữa hai lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và điều hành giao thông đường bộ có những vấn đề liên quan, bổ trợ cho nhau. Mặt khác, hai dự án Luật này đều phải đặt trong tổng thể xây dựng, phát triển và bảo đảm trật tự giao thông đường bộ. Do vậy, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật.

Thanh Hải