Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Cân nhắc kỹ mức phạt tiền tối đa

- Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:26 - Chia sẻ
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực và bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực. Cho rằng, nếu tăng cường mức xử phạt hành chính bằng tiền thì tác động đối với xã hội tốt hơn là xử phạt hình sự, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, phải đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm...

Còn có sự đan xen giữa hành chính và hình sự

Theo ghi nhận của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực hiện nay đã cao hơn khá nhiều mức tối thiểu của khung hình phạt tiền được Bộ luật Hình sự quy định là hình phạt chính đối với các tội ở cùng lĩnh vực. Xem xét mức phạt cụ thể cho từng lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực giao thông đường bộ hiện là 40 triệu đồng, trong khi khung hình phạt là hình phạt chính của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được Bộ luật Hình sự quy định từ 30 đến 100 triệu đồng (Điều 260). Ngoài ra, mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội là 40 triệu đồng, trong khi khung hình phạt tiền là hình phạt chính của tội đánh bạc được Bộ luật Hình sự quy định từ 20 đến 100 triệu đồng (Điều 321).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, lâu nay vẫn có quan điểm vi phạm hành chính nhẹ hơn vi phạm hình sự. Song, vi phạm hành chính và hình sự đều là những hành vi vi phạm pháp luật, nếu bỏ qua yếu tố mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm đến xã hội thì hoàn toàn có thể xử lý nhất quán, đồng bộ các hành vi vi phạm này. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đều xử lý hành vi vi phạm hành chính và hình sự bằng con đường tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thừa nhận, hiện nay, còn một số tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự có sự đan xen giữa hành chính và hình sự. Đan xen ở đây tức là mức phạt tối đa của hành chính cao hơn mức phạt tối thiểu của hình sự. Trong khi đó, ranh giới giữa hai bên chưa xử lý dứt điểm được. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nêu rõ, tính nghiêm khắc của xử phạt hình sự không chỉ thể hiện ở mức phạt thấp hay cao mà còn có các yếu tố khác liên quan đến quy trình tố tụng, hậu quả pháp lý sau này. Nếu xử lý hình sự thì án tích, quy trình hình sự là một quy trình ảnh hưởng đến nhân thân con người một cách trực diện và lâu dài. Mặt khác, phạt tiền hành chính tối đa không phải lúc nào cũng áp dụng mà đấy là mức trần. Còn trên thực tế, áp dụng như thế nào còn phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi để phạt, khung cũng tương đối rộng.

Tăng xử phạt hành chính bằng tiền tác động tốt hơn xử lý hình sự

Có thể thấy, trong điều kiện hiện nay của nước ta cần áp dụng song song xử lý hình sự và xử phạt hành chính, thậm chí cần tăng cường xử lý hành chính, giảm xử lý hình sự, bởi hình sự chưa chắc đã phải là “cây gậy” răn đe ở mức độ tích cực. Thực tế, trên thế giới có doanh nghiệp hối lộ, nhưng đã nộp phạt số tiền lớn để tránh bị khởi tố hình sự. Chế tài xử phạt hành chính được Luật Quản lý thuế hiện hành quy định cũng cao hơn so với mức phạt tiền tối thiểu trong xử lý hình sự đối với tội ở cùng lĩnh vực. Do vậy, tôi đồng tình tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực được Chính phủ đề xuất để tăng tính chất răn đe với hành vi vi phạm hành chính. Trong đó, những hành vi vi phạm liên quan đến bình đẳng giới, vấn đề xúc phạm đến nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em… cần được mạnh dạn nâng mức phạt tiền tối đa, bảo đảm những vấn đề chưa đến mức độ hình sự thì hành chính phải phạt thật nặng.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Đồng ý với một số nội dung giải trình của Bộ trưởng Lê Thành Long, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ, hiện nay, để xử lý các vi phạm pháp luật thì có 4 loại chế tài: một là, loại chế tài hình sự; hai là loại chế tài hành chính; ba là chế tài dân sự; bốn là chế tài kỷ luật. Trong đó, hình sự là loại chế tài cao nhất và nghiêm khắc nhất. Một nguyên tắc lớn nhất phải tuân theo giữa hình sự và hành chính là lúc nào thì xử phạt hình sự và lúc nào thì xử phạt hành chính. Ví dụ, trộm cắp 2 triệu đồng là xử lý hình sự trong điều kiện các đối tượng phạm tội có nhân thân bình thường. Nếu trộm cắp dưới 2 triệu đồng thì mới xử lý hành chính được. Như vậy, tiêu chí nào để xử phạt hành chính, tiêu chí nào để xử lý hình sự là phải tuyệt đối tuân thủ. Với thực tiễn làm luật hình sự thời gian vừa qua và thực tiễn xử lý vi phạm hành chính có rất nhiều loại hành vi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, nếu tăng cường mức xử phạt hành chính bằng tiền thì tác động đối với xã hội tốt hơn là xử lý hình sự. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ý nghĩa của mức phạt tiền hình sự và hành chính là khác nhau. Bởi với cùng một mức phạt tiền, ảnh hưởng của phạt hành chính khác với hình sự vì liên quan đến quy trình tố tụng tư pháp, án tích, nhân thân bởi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Cho rằng, không nhất thiết cứ xử phạt tiền thì hành chính phải thấp hơn hình sự, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý, phải bảo đảm tính tương đối, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại trong hệ thống pháp luật hiện nay để bảo đảm không chồng chéo.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, không nhất thiết xử phạt hành chính luôn luôn phải thấp hơn mức xử phạt tối thiểu của pháp luật hình sự. “Về mặt lý luận mà nói, bao giờ hình sự cũng nghiêm trọng hơn hành chính nên người ta mới áp dụng trách nhiệm hình sự. Nhưng không có nghĩa mức tối thiểu của hình sự bao giờ cũng cao hơn mức tối đa trong xử phạt hành chính, đó là nguyên tắc”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh. Tuy nhiên, kết luận phiên thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại trong từng nhóm lĩnh vực được đề xuất nâng mức hình phạt tiền cao hơn cũng như các lĩnh vực bổ sung mức phạt tiền tối đa; phải cân nhắc thật kỹ để bảo đảm tính hợp lý, thống nhất và khoa học.

Thanh Hải