Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV

Cần ngắn gọn, đầy đủ, chính xác

- Thứ Ba, 15/10/2019, 08:02 - Chia sẻ
Giảm thời gian đọc các báo cáo, đó là đề nghị của các Ủy viên UBTVQH khi cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, khi họp Trung ương, chúng ta đã thực hiện chỉ phát báo cáo thay vì đọc, vì vậy, UBTVQH mong muốn dự thảo Báo cáo cũng nên ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.

Triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ nông nghiệp

Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các Ủy viên UBTVQH nhận định là rất chất lượng, phản ánh được nhiều vấn đề nóng mà cử tri quan tâm, như phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; khắc phục mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; tình hình giá cả thị trường không ổn định; việc chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của một bộ phận công chức, viên chức quản lý, giáo viên…


Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV. Báo cáo này đã được tập hợp đầy đủ từ các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn ĐBQH. Ngoài ra, còn tổng hợp từ hệ thống MTTQ, các tổ chức thành viên. Như vậy, đây là báo cáo rất tổng hợp, có cả kiến nghị riêng của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Còn Báo cáo của Ban Dân nguyện về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV chỉ gói gọn trong phạm vi hơn 1.000 cuộc tiếp xúc cử tri và tập hợp trên 2.000 ý kiến của cử tri. Như vậy, ý kiến nhân dân, ý kiến của MTTQ các cấp, ý kiến của các tổ chức trong hệ thống chính trị lại do MTTQ giám sát và theo dõi kết quả. Qua đọc hai báo cáo, từ tiêu đề và các nội dung cần được tiếp tục bóc tách rõ, chỗ nào dùng số liệu chung phải thống nhất, chặt chẽ. Việc giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến QH trong Kỳ họp cần được hai cơ quan phối hợp đồng bộ, không bỏ sót, lọt.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
Hà Ngọc Chiến

Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH lưu ý, vẫn còn những vấn đề cử tri, nhân dân phản ánh chưa được đề cập đầy đủ trong dự thảo Báo cáo. Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, cử tri và nhân dân nhắc nhiều đến sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ, tuyển chọn cán bộ chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đưa những người trong sạch, có năng lực, để bố trí vào bộ máy nhà nước là nguyện vọng của nhân dân và cũng là đồng thuận với sự chỉ đạo của Đảng, rất cần được bổ sung vào Báo cáo.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại hơn 5 triệu con lợn, dù được Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhưng chính sách để hỗ trợ cho người nông dân, người chăn nuôi bị thiệt hại còn chậm; việc tổ chức thực hiện chính sách chưa khẩn trương. Hay như việc khắc phục hậu quả cơn bão số 12 năm 2017 tại tỉnh Khánh Hòa, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị định 12 để hỗ trợ đồng bào nuôi tôm hùm ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh nhưng đến nay, bà con vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Có tỉnh đề nghị, nếu Trung ương đồng ý cho tỉnh ứng tiền thì ứng như thế nào, thay vì cứ để dai dẳng đến 2 năm trời. Cho nên, “những gì là chính sách hỗ trợ nông nghiệp để khắc phục khó khăn trong sản xuất phải làm nhanh hơn, vì bà con nông dân rất ít vốn. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh một số chính sách mới như nghiên cứu bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm sản phẩm cho ngành nghề vốn gặp nhiều rủi ro này” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cũng lưu ý, một mục tiêu quan trọng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới là phát triển, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhưng ở nhiều địa phương hiện nay, nông dân vẫn đang bỏ ruộng, giá nông sản vẫn bấp bênh. Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần có khảo sát cụ thể về vấn đề này để đưa ra giải pháp phù hợp.

Xử lý đúng để người dân tâm phục, khẩu phục

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn, người dân vẫn phản ánh nhiều về việc xử lý tiêu cực thi cử năm 2018, đặc biệt là tại tỉnh Hà Giang. Sau khi nghe kết quả kiểm điểm của Tỉnh ủy Hà Giang, người dân không đồng tình và cho rằng việc xử lý chưa đúng đối tượng, né trách nhiệm còn tương đối rõ. Chủ nhiệm VPQH nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo nên đề nghị xử lý vấn đề này đúng đối tượng để cử tri và người dân tâm phục, khẩu phục.

Ở góc độ đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, ý kiến cử tri, nhân dân các tỉnh miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số cần được quan tâm hơn. Đồng bào dân tộc thiểu số đánh giá năm 2019 là năm công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là khi Ban Bí thư chỉ đạo tổng kết 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương Khóa IX về công tác dân tộc; UBTVQH giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2018, qua đó đề nghị Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Dấu mốc này rất quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc. Đồng bào dân tộc kỳ vọng chính sách dân tộc trong giai đoạn tới sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn, góp phần rút ngắn khoảng cách thu nhập cũng như phát triển giữa đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước.

Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam dài 5,5 trang, nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị vẫn nên giảm bớt hơn nữa, vì họp Trung ương bây giờ cũng chỉ phát báo cáo thay vì đọc báo cáo. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị, đọc báo cáo không nên quá 15 phút, chúng ta cần hướng tới báo cáo ngắn gọn, súc tích, nhưng vẫn đầy đủ, chính xác.  

Anh Thảo