Cần lập luận chặt chẽ, thuyết phục hơn

- Thứ Sáu, 04/10/2019, 18:59 - Chia sẻ
Chiều 4.10, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 15, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp

Tờ trình dự án Luật do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do chưa có quy định trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi này… Để khắc phục tồn tại, vướng mắc này, cũng như góp phần bảo đảm an ninh chính trị, ổn định đất nước và bảo đảm trật tự xã hội thì việc sửa đổi Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là rất quan trọng và cần thiết. 

Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 6 Điều 3 của Luật hiện hành sẽ không thống nhất với các khoản khác trong điều này và một số điều khác có liên quan của Luật này. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định khác của Luật hiện hành để bảo đảm tính chính xác, tính thống nhất về nội dung và kỹ luật lập pháp, đồng thời trình QH dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 


Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 3 LUật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc hiện nay, trước mắt trình QH xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như đề nghị của Chính phủ. 

Các ý kiến cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn, để giải quyết được khoảng trống pháp luật trong xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển sử dụng, mua bán trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì phải được xử lý như thế nào.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các cơ quan hữu quan phải rà soát, hoàn thiện dự án Luật với lập luận chặt chẽ, thuyết phục hơn. 

Tin và ảnh: Hà An