Cần làm rõ cách tính giá điện nhiều bậc

- Thứ Hai, 06/05/2019, 08:17 - Chia sẻ
Việc hóa đơn tiền điện tháng 4.2019 của một số hộ gia đình tăng đột biến đã khiến nhiều người nghi ngờ tính minh bạch về giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu thanh tra giá điện, phương pháp tính giá điện và việc thu tiền điện thời gian qua... để làm rõ đúng, sai.

Hóa đơn tiền điện có thể tăng đột biến không?

Ngày 20.3, Bộ Công thương có Quyết định số 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân mới sẽ là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Theo Quyết định trên, cụ thể giá bán lẻ điện cho sinh hoạt gồm 6 bậc sẽ như sau: Bậc 1: từ 0 - 50kWh áp dụng giá 1.678 đồng/kWh; Bậc 2: từ 51 - 100kWh áp dụng giá 1.734 đồng/kWh; Bậc 3: từ 101 - 200kWh áp dụng giá 2.014 đồng/kWh; Bậc 4: từ 201 - 300kWh áp dụng giá 2.536 đồng/kWh; Bậc 5: từ 301 - 400kWh áp dụng giá 2.834 đồng/kWh; Bậc 6 từ 401kWh trở lên áp dụng giá 2.927 đồng/kWh.


Người dân ngày càng có xu hướng lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện

Nếu tính theo biểu giá này gồm cả thuế VAT (10%) cho từng mức tiêu thụ từ 200 - 600kWh (lấy số chẵn trăm) thì tiền điện phải đóng sẽ như sau: tiêu thụ 200kWh đóng 409.200 đồng; 300kWh đóng 688.160 đồng; 400kWh đóng 999.900 đồng; 500kWh đóng 1.321.870 đồng và 600kWh đóng 1.643.840 đồng.

Tương tự như vậy, nếu tính ở các mức tiêu thụ như trên theo biểu giá cũ của năm 2018 thì tương ứng các mức tiền phải đóng cho từng mức tiêu thụ từ 200 - 600kWh (lấy số chẵn trăm) sẽ là: 377.575 đồng, 634.975 đồng, 922.625 đồng, 1.219.735 đồng và  1.516.845,5 đồng.

Chênh lệch (tức là số tiền phải trả thêm cho từng mức tiêu thụ) cho mỗi mức theo thứ tự là: 31.635 đồng, 53.185 đồng, 77.275 đồng, 102.135 đồng, 126.994,5 đồng. Tiêu thụ 300kWh/tháng chỉ trả thêm 53.185 đồng, còn mức 400kWh trả thêm 77.275 đồng.

Tính ra ở các mức tiêu thụ trên, mỗi hóa đơn mới đều tăng khoảng trên 8,37% (cả VAT) so với giá bán lẻ năm 2018.

Theo số liệu được EVN cập nhật trong tháng 4.2019, số hộ dùng dưới 200kWh tương đối lớn, chiếm hơn 68%; từ 200 - 400kWh chiếm hơn 20%; còn lại là các bậc thang từ 400kWh trở lên. Và số tiền đóng thêm do tăng giá điện của mỗi hóa đơn chủ yếu dưới 50 nghìn đồng, chỉ những hộ dùng từ 400kWh mới phải đóng thêm trên dưới 100.000 đồng.

 Như vậy, nếu tính đúng thì hóa đơn trả tiền điện của mỗi hộ gia đình trong tháng 4 (cả tháng 3) không thể tăng đột biến do việc tăng giá. Nếu có sự tăng đột biến, có thể là do ghi số công tơ hoặc “tự nhiên” hộ đó dùng tăng nhiều số lên. Vì thế cần phải xem xét và làm rõ, các trường hợp tiền điện tăng đột biến. 

Giá điện nhiều bậc - đẹp vì chỉ tăng cỡ 8,37%

Tính toán trên cho thấy, việc tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp vào đời sống của những người có thu nhập thấp và người hưởng lương hưu dưới 5 triệu đồng/tháng. Nói ảnh hưởng là vì, dù các hộ này với số tiền nộp thêm do sử dụng điện chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng tháng nhưng cộng thêm các chỉ số tăng hàng hóa thiết yếu khác do giá xăng, giá điện tăng sẽ khiến việc tăng lương hưu của họ theo lộ trình không bù đắp đủ tiền chi thêm này. Nếu người hưởng lương hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng (đa số người có mức lương hưu này) thì mỗi tháng chỉ thêm khoảng 200.000 đồng do tăng lương tối thiểu cơ sở. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống vất chất, tinh thần của họ. Trong lúc đó, đối với những người có thu nhập cao hơn thì tác động việc tăng giá tiền điện như đã tính ở trên hầu như không thấy rõ.

Hơn nữa, với cách tính giá điện theo 6 bậc như hiện nay, khi Bộ Công thương tăng giá theo từng bậc thì cho kết quả khá đẹp, chỉ tăng khoảng 8,37%. Con số này làm yên tâm người mua điện và các cơ quan chức năng phê duyệt giá. Vì thế, cần làm rõ cách tính giá điện quá nhiều bậc này.

Để làm rõ thủ thuật này, hãy giả sử giá điện được tính theo một bậc, khi đó nếu tiêu thụ 200kWh theo giá 1.549 đồng/kWh của năm 2018 thì sẽ phải trả 340.780 đồng (cả VAT 10%); dùng 300kWh trả 511.170 đồng; dùng 400kWh trả 681.560 đồng.

Tuy nhiên, khi giá điện được chia 6 bậc (tương đương với 6 mức giá), thì với giá điện được điều chỉnh ngày 20.3 vừa qua, nếu dùng 200kWh phải đóng 409.200 đồng; 300kWh đóng 688.160 đồng; 400kWh đóng 999.900 đồng.

Như vậy, mức chênh tiền tương ứng giữa 3 mức tiêu thụ này lần lượt là: 68.420 đồng; 176.990 đồng; 318.340 đồng, có nghĩa tỷ lệ phần trăm tăng tương ứng sẽ là 20,07%, 34,62%, 46,7%... (Mức chênh sẽ lớn hơn nữa khi dùng nhiều). Có lẽ đây là lý do mà ngành điện chia ra làm nhiều bậc giá. Và nếu như chấp nhận biểu giá nhiều bậc tại sao lại phải tăng giá ở các bậc thấp (tiêu thụ ở mức 200 - 300kWh) đa số hộ thu nhập thấp đang dùng?

Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hy vọng các ngành chức năng sẽ làm rõ vấn đề này và tác động của việc tăng giá điện đối với đời sống người dân cũng như sự thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

Lê Lê