Ứng dụng cung cấp nội dung trên nền tảng internet

Cần khung pháp lý riêng

- Thứ Tư, 15/05/2019, 07:55 - Chia sẻ
Chính phủ nên quản lý dịch vụ video theo yêu cầu nói riêng và ứng dụng cung cấp các nội dung trên nền tảng internet nói chung dưới một khung pháp lý thay vì gộp với việc quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống. Đây là đề xuất tại hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số - Kinh nghiệm quốc tế và góp ý cho xây dựng pháp luật đối với Việt Nam” diễn ra sáng 14.5.

Xa rời thông lệ quốc tế?

Tại Hội thảo do Hội Truyền thông số Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức, ông Konstantin Matthies, Chuyên gia kinh tế của Alpha Beta chia sẻ kết quả nghiên cứu về tác động kinh tế của dịch vụ video theo yêu cầu (VOD) tại châu Á. Theo báo cáo này, các dịch vụ VOD dự báo sẽ được đầu tư lên đến 10,1 tỷ USD tại châu Á vào năm 2022, tăng 3,7 lần so với mức chi trong năm 2017, mang lại tác động kinh tế gộp lớn gấp 3 lần giá trị đầu tư này. Đối với thị trường Việt Nam, VOD mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt trong ngành điện ảnh. Nếu kết hợp những lợi thế vốn có, tạo điều kiện khuyến khích sản xuất và môi trường hỗ trợ, Việt Nam có thể hướng tới trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực.

Tuy nhiên, ông Konstantin lo ngại rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình có thể triệt tiêu các lợi ích mà VOD mang lại. Ví dụ, quy định bảo đảm tỷ lệ số lượng chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên internet không thấp hơn 30% sẽ làm giảm chất lượng của các chương trình này. Hoặc, quy định bắt buộc cấp phép thông qua việc yêu cầu thành lập cơ sở tại địa phương hoặc liên doanh sẽ tạo ra rào cản gia nhập thị trường, tăng chi phí và rủi ro đầu tư, đồng thời mang tính phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Không quốc gia nào trong ASEAN và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia hiện cũng không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng để chuyển tải nội dung/thông tin trên internet (OTT) phải được cấp phép, ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam cho biết. Đồng thời, chưa một quốc gia nào trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương áp đặt tỷ lệ bắt buộc đối với nội dung trong nước lên các dịch vụ OTT, ngoại trừ Trung Quốc. Ngoài ra, cũng không quốc gia nào trên thế giới áp dụng hạn chế về đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các dịch vụ nội dung VOD, ngoại trừ Trung Quốc, do việc này sẽ tạo ra sự phân biệt trong việc quản lý các dịch vụ trong và ngoài nước. Tỷ lệ bắt buộc đối với nội dung trong nước sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc thực thi và nhiều vướng mắc cho các dịch vụ OTT trong việc tuân thủ. Bên cạnh đó, có thể khiến cho nhiều dịch vụ buộc phải giảm thiểu số lượng chương trình hoặc đưa những nội dung chất lượng thấp của Việt Nam vào vận hành. Ông Thành cũng cho rằng, các quy định cấp phép phức tạp đang được áp dụng cho dịch vụ truyền hình truyền thống nếu được áp dụng cho các dịch vụ OTT sẽ là không phù hợp và làm Việt Nam xa rời hơn với các thông lệ quốc tế.

Cần cách tiếp cận mới, tiến bộ

OTT là tất cả dịch vụ ứng dụng để chuyển tải nội dung/thông tin trên internet như tin nhắn, cuộc gọi qua facebook, viber, zalo; app nghe nhạc, ứng dụng Grab...
VOD là một phần của OTT, tập trung vào dịch vụ video theo yêu cầu, như VTV go, VTC now, FPT play, nhaccuatui, Zingmp3, YouTube...

Trái ngược với quan điểm trên, đại diện truyền hình số vệ tinh K+ cho rằng, truyền hình mang giá trị tinh thần và tác động đến xã hội rất lớn. Vì vậy, quốc gia nào cũng sẽ có những quy định về kiểm duyệt để bảo đảm cho người hưởng dịch vụ được bảo hộ một cách hợp lý. Suy cho cùng, lĩnh vực này cần phải cạnh tranh nhau trên chất lượng về nội dung, dịch vụ chứ không phải là sự bất bình đẳng trong quy định. “Chúng tôi khi làm bất cứ cái gì đều phải xin phép, tốn kém thời gian, chi phí biên tập phiên dịch, nộp thuế, nộp phí, trong khi quy định chưa rõ để áp dụng thống nhất, nên đơn vị nước ngoài vào không phải chịu những quy định trên. Điều này không hợp lý”, đại diện truyền hình K+ nói. Đối với tỷ lệ phát nội dung nước ngoài và trong nước, những đơn vị truyền thống như K+ chỉ được phép cung cấp tối đa 30% số lượng kênh nước ngoài trên hạ tầng của mình. Theo đại diện K+, dù là nhà cung cấp nước ngoài vào Việt Nam hay nhà cung cấp trong nước đều phải tuân thủ quy định để tránh bất bình đẳng giữa các bên.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng cho rằng, công nghiệp nội dung số, gồm Game và nhóm dịch vụ giải trí số (mà VOD là cấu phần quan trọng) có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, giữa dịch vụ số cung cấp qua hình thức OTT, (trong đó bao gồm VOD), có sự khác biệt căn bản với dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống. Do đó yêu cầu và cách thức quản lý nhà nước đối với các nhóm OTT nên có sự khác biệt. Trên cơ sở đó, cần xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loại hình dịch vụ này. “Chính phủ nên xem xét và quản lý loại hình dịch vụ VOD nói riêng và OTT nói chung dưới một khung pháp lý thay vì gộp chung với việc quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống như trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP”, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất.

Đại diện IPS khuyến nghị, việc sửa đổi Nghị định 06 hiện nay vẫn nên giữ phạm vi điều chỉnh như cũ, tức là tập trung cho nhóm dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống, và theo hướng giảm các quy định quá chặt chẽ đã không còn phù hợp để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Đồng thời, Chính phủ nên nghiên cứu xây dựng nghị định mới cho các dịch vụ OTT nói chung. “Bộ Thông tin và Truyền thông là một trong 3 bộ kiến nghị Chính phủ nên xây dựng một khung pháp lý mới để quản lý Grab và taxi công nghệ. Với nhóm dịch vụ OTT mang nhiều dáng dấp “Uber, Grab” của ngành giải trí, một cách tiếp cận mới và tiến bộ như vậy cũng là hướng đi hoàn toàn hợp lý’’, Viện trưởng IPS nói.

Bài và ảnh: Tuệ Anh