Trò chuyện đầu tuần

Cần giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật với cán bộ, công chức, viên chức

- Thứ Hai, 02/12/2019, 07:49 - Chia sẻ
Từng ví văn bằng, chứng chỉ chẳng khác nào những “giấy phép con” “hành” cán bộ, công chức, viên chức, Đại biểu Quốc hội PHẠM THỊ MINH HIỀN (Phú Yên) cho rằng, trong thời gian tới, nhất thiết phải có một cuộc giám sát tối cao để rà soát, đánh giá tổng thể chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có câu chuyện các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cấp các văn bằng chứng chỉ. Chúng ta phải tạo ra một môi trường mà ở đó mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ toàn tâm, toàn ý làm việc, thực thi công vụ và cống hiến hết mình thay vì phải loay hoay với những áp lực, gánh nặng về văn bằng, chứng chỉ như hiện nay.

Câu chuyện rất dài nhưng bắt buộc phải khắc phục

- Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, đại biểu đã có chất vấn đầy tâm tư với “tư lệnh ngành” nội vụ khi chỉ thẳng các văn bằng, chứng chỉ chẳng khác nào các “giấy phép con” “hành” cán bộ, công chức, viên chức. Bây giờ, nếu trở lại với tình huống lúc đó, đại biểu sẽ thế nào?

- Tôi sẽ vẫn chất vấn như vậy, vì đó là thực tế đang diễn ra mà chúng ta không nói giảm, nói tránh được. Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về câu chuyện này nhưng câu trả lời của Bộ trưởng chưa rõ. Và chính vì chưa rõ, chưa giải quyết được gốc của vấn đề nên tôi đã giơ bảng tranh luận. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân là một trong những bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội nhiệm kỳ này, ngay từ Kỳ họp thứ Hai. Tôi đánh giá cao và ghi nhận sự cầu thị, tinh thần nhận trách nhiệm của Bộ trưởng trước những vấn đề thuộc quản lý của ngành. Dù vậy, quan sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay tôi thấy rằng, có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng sự chuyển biến thực tế còn chậm. Và đôi lúc, trong một số việc, tôi có cảm giác việc thực hiện không mang tính bền vững mà giống một hình thức “trả nợ” mang tính đối phó hơn.


Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Có một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cán bộ công chức, viên chức nên giao cho thanh tra là đủ. Nhưng tôi cho rằng, giao cho Thanh tra Chính phủ là chưa đủ tầm bởi đây là chính sách quyết định sự sống còn của bộ máy công vụ. Bộ máy của chúng ta có hiệu quả hay không, phục vụ nhân dân có tốt hay không, đất nước phát triển hay không thì cũng phải trông chờ ở cán bộ, công chức và viên chức. Chúng ta nghĩ đơn giản quá cũng là vấn đề cần xem xét lại. 

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Ví dụ việc một số văn bản được ký để triển khai thực hiện ngay trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ Tám vừa qua. Nội vụ là ngành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Vì thế, khi chất vấn, tranh luận, tôi hay các đại biểu Quốc hội khác đều chỉ mong muốn đóng góp vào việc tạo ra một môi trường mà ở đó mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ toàn tâm, toàn ý làm việc, thực thi công vụ và cống hiến hết mình thay vì phải loay hoay với những áp lực, gánh nặng về văn bằng, chứng chỉ như hiện nay. 

- Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với nhiều sửa đổi quan trọng liên quan đến đánh giá cán bộ trên cơ sở thực lực, thực tài, xóa bỏ “biên chế suốt đời”... Theo đại biểu, điều này có giúp “cởi bỏ” được áp lực về văn bằng chứng chỉ đối với cán bộ, công chức, viên chức? 

- Đạo luật vừa được Quốc hội thông qua là khung pháp lý cơ bản đã đưa ra được các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và theo đó là chất lượng bộ máy nhà nước. Các điều khoản về đánh giá, phân loại cán bộ, xét tuyển, tuyển dụng, nâng ngạch hay liên quan đến việc bỏ chế độ “biên chế suốt đời” cũng là những nội dung mà lâu nay cử tri cán bộ công chức, viên chức rất quan tâm. Tôi cho rằng, Luật sẽ là giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với cán bộ công chức, viên chức, tất nhiên, cũng không thể vừa khít được với các nhu cầu, vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống. 

- Câu chuyện liên quan đến các văn bằng, chứng chỉ vừa qua hầu hết đều do các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thưa đại biểu? 

- Đó cũng là vấn đề cần hết sức chú ý trong quá trình thực thi luật tới đây. Lĩnh vực nội vụ liên quan đến con người, trong Luật có một số chế định giao cho Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết. Nhưng thực tế là có một số điều khoản khi được hướng dẫn chi tiết thì lại đi ngược với luật hoặc làm phức tạp hơn tình hình. Nói cách khác, trong khi luật quy định rất đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu nhưng khi quy định chi tiết thì lại trở nên khó hiểu và mỗi nơi lại có một cách hiểu, cách áp dụng, vận dụng khác nhau, tư duy khác nhau. Và vì thế, không tạo được sự công bằng một cách đồng bộ, thống nhất trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ hội để họ được rèn luyện, được bồi dưỡng và phát triển. “Lỗ hổng” pháp lý sẽ tạo điều kiện cho “lỗ hổng” lương tri của một số người có thẩm quyền trong công tác tổ chức cán bộ nhưng lại không đủ tâm, đủ tầm. Điều này cũng là tác nhân có thể gây nên sự trì trệ của bộ máy. Đây là câu chuyện rất dài nhưng bắt buộc các ngành, đặc biệt là ngành nội vụ, phải thẳng thắn nhìn nhận và rốt ráo khắc phục. 

Cũng cần lưu ý rằng, ngành nội vụ như Bộ trưởng đã thừa nhận, có văn bản được ban hành 20 năm nay và đã phát hiện bất cập từ rất lâu rồi nhưng đến nay cũng chưa được sửa đổi. Như vậy, chúng ta cũng không thể ngồi chờ những lời hứa được thực hiện mà phải giám sát chặt chẽ. Cá nhân tôi cho rằng, cần có sự vào cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. 

Áp lực chứng chỉ, bằng cấp đè nặng mỗi cán bộ công chức, viên chức

- Đại biểu từng nói thẳng trên nghị trường rằng cử tri là cán bộ, công chức, viên chức rất tâm tư...? 

- Đúng như vậy. Lực lượng giáo viên chẳng hạn, họ rất tâm tư, rất nặng nề. Chúng ta hay nói về chỉ số hạnh phúc. Khi đến độ tuổi trưởng thành, người ta được cống hiến, được xây dựng gia đình, phát triển bản thân thì đều mong muốn, đều hướng tới một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng một số cử tri nói với tôi rằng, họ không cảm thấy hạnh phúc bởi con họ học, họ học, con họ thi, họ thi, tức là cả gia đình bị áp lực bởi vấn đề học và thi cử thì sao mà hạnh phúc được? Con cái thì áp lực bởi chương trình giáo dục, bởi thành tích còn cha mẹ cũng phải lao vào hoàn thiện các văn bằng chứng chỉ, thậm chí, một bữa cơm gia đình đầm ấm, sum vầy cho trọn vẹn cũng khó mà có được. Bản thân tôi cũng vậy, khi đối diện với câu chuyện thi nâng ngạch, bổ nhiệm lại thì càng thấm thía những điều mà cử tri chia sẻ với mình.

Mà áp lực đó không phải do chính bản thân mình tạo ra cho mình đâu. Nói cách khác, cán bộ, công chức, viên chức bị đặt vào một guồng quay mà guồng quay đó có khi cũng không quay một cách logic theo hướng đi lên đâu, nhiều khi là đảo lộn bởi những quy định rất mới khiến người ta hoang mang, không biết như thế nào. Ví dụ câu chuyện thi nâng ngạch, có khi năm nay thì đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thi nhưng sang đến năm sau thì đã không đủ điều kiện nữa vì có sự thay đổi trong quy định. Thông thường người ta sẽ đặt ra cho mình một lộ trình để học tập, phát triển, hoàn thiện bản thân nhưng vì những quy định mới có tính phát sinh hoặc có tính “sáng tạo” theo một cách rất lạ làm cho lộ trình đó bị đảo lộn, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng làm việc, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức và viên chức bởi khi phải tập trung cho việc hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ họ sẽ không thể tập trung cho công việc chuyên môn. Nếu chúng ta làm tốt, làm bài bản, chất lượng ngay từ khâu đầu vào tuyển chọn cán bộ công chức, viên chức thì lẽ ra sau đó cứ vậy mà làm việc, cống hiến, phát triển thôi. Còn bây giờ là phải nằm trong “guồng” vừa học vừa làm vừa hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ. Áp lực chuyên môn, áp lực chứng chỉ bằng cấp đè nặng lên mỗi cán bộ công chức, viên chức. 

- Áp lực hoàn thiện bằng cấp chứng chỉ có khi còn nặng hơn cả công việc chuyên môn, thưa đại biểu? 

- Cũng có khi nặng hơn vì nó ảnh hưởng ngay đến “nồi cơm” của người ta. Tức là, nếu anh không đạt chuẩn các chứng chỉ, bằng cấp sẽ ảnh hưởng ngay đến vị trí việc làm. Cho nên chính sách, pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức còn bất cập, còn lỗ hổng, kẽ hở đòi hỏi phải có sự giám sát của Quốc hội.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại kỳ họp này, một vấn đề được các đại biểu đặt ra là, hiện nay, việc đào tạo để hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ có dấu hiệu tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo nhưng với người đi học thì kiến thức thu được từ những lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng như vậy không có gì mới, rất hình thức, vừa mất thời gian, tốn kém tiền bạc (có thể là ngân sách nhà nước, có thể là cá nhân phải tự bỏ tiền đi học) lại ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Tôi nói điều này bằng trải nghiệm thực tế của bản thân. Vì thế, chúng ta phải rà soát lại.

Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa là, nhất thiết phải có một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội để rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có câu chuyện các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cấp các văn bằng, chứng chỉ. Chúng ta nói rằng các cơ sở này, các văn bằng, chứng chỉ này là để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ công chức, viên chức nhưng cần đánh giá là có thực chất hay không, có chất lượng thật hay không, có đúng mục tiêu đề ra hay không?

- Cũng phải chấp nhận một thực tế là chúng ta vẫn đang trong quá trình đổi mới để hoàn thiện về tổ chức bộ máy, chế độ công vụ cũng như chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức nên có những việc cũng chưa thể đạt như mong muốn và kỳ vọng, thưa đại biểu? 

- Đồng ý là chúng ta đang bước tới, đang tìm kiếm những mô hình, cách thức thực sự hữu hiệu nhưng cá nhân tôi cho rằng, chúng ta vẫn đi chậm quá. Chúng ta đặt ra rất nhiều mục tiêu, có rất nhiều khẩu hiệu nhưng việc triển khai thực hiện, những kết quả đạt được trên thực tế lại chưa tương xứng. Khi chuyển động thì phải chuyển động đồng bộ, cả tư duy và hành động, từ cơ quan đầu não đến từng bộ phận. Chúng ta đi nhưng tốc độ đi không đều. Đây là thực tế phải chấn chỉnh vì nó tạo ra một tình trạng là ở bề nổi thấy có sự thay đổi nhưng sâu bên trong thì chưa, thậm chí, còn có nguy cơ khiến cho bộ máy, cho con người trong bộ máy ấy trở nên trì trệ hơn.      

- Xin cảm ơn đại biểu!

Quỳnh Chi thực hiện