Ngày đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Cần giải pháp thực sự căn cơ và dài hạn

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:18 - Chia sẻ
Ngày đầu tiên của Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề bức xúc, tồn tại thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương đã được các ĐBQH chất vấn và nhận được câu trả lời thẳng thắn từ hai “tư lệnh” ngành. Dù vậy, có thể nói, đây là hai lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng càng đặt ra những khó khăn, thách thức phức tạp và đòi hỏi phải có những giải pháp thực sự căn cơ, dài hạn với tinh thần quyết liệt hơn nữa mới có thể tạo ra những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Tập trung nguồn lực, giải quyết cho được những nút thắt

ĐBQH Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk): Cà phê, tiêu là những mặt hàng đã mang lại hàng tỷ USD xuất khẩu trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng hiện tại hàng ngày từng dòng người dân trồng, chăm sóc cà phê ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang đổ về Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm việc làm, bỏ lại sau lưng nhà cửa, rẫy nương và những món nợ tại ngân hàng. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này, trong hiện tượng này như thế nào và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Liên quan đến cây cà phê, cao su, hồ tiêu, chúng ta phải giải quyết bằng nhóm giải pháp căn cơ và dài hạn. Hiện nay diện tích cà phê là 680.000 hecta, với một sản lượng rất cao 1,8 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới về sản lượng, giá trị hơn 3 tỷ USD. Tổng số thế giới có 9 triệu tấn, sản lượng của nước ta gần 2 triệu. Thế giới đang khủng hoảng về cung và cầu, cung thì quá lớn. Do đó, một là chúng ta phải tổng rà soát lại ba nhóm giải pháp lớn, những diện tích canh tác kém, cây già cỗi, năng suất thấp thì kiên quyết. Vừa qua các tỉnh làm rất tốt, theo đề án của Bộ chúng ta đã hoàn thành 120.000 hecta cải tạo lại, thay thế bằng cây trồng mới, cho sinh trưởng, phát triển để đảm bảo năng suất sau này.

Điểm thứ hai, không gì bằng tập trung chế biến. Hiện nay rất đáng tiếc chúng ta chỉ mới có 12% là chế biến nhưng đem lại giá trị bằng 20%. Như vậy, khâu chế biến xác định sẽ là chuỗi giá trị và góp phần có chế biến chúng ta có thể rải vụ sản phẩm ra, không để tình trạng trào ứ tại một thời điểm. Riêng cây cà phê phải đồng bộ các nhóm giải pháp. Trước mắt là rà soát lại chỗ nào già cỗi thì kiên quyết tái canh tập trung. Hai là, canh tác phải thân thiện với môi trường, không thể bón đủ các loại phân vô cơ vào để phấn đấu năng suất, bởi vì việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Ba là tập trung công tác chế biến sâu. Tới đây yêu cầu nhiều doanh nghiệp vào, bằng các cơ chế, không chỉ Nghị định 57, đặc biệt chúng tôi xin đề nghị Lễ hội cà phê năm nay dành một chương trình kêu gọi các nhà doanh nghiệp, Bộ cùng với các địa phương sẽ mời gọi các nhà đầu tư, phân tích kỹ, nói được hướng tiềm năng để chúng ta cùng chung tay vào chuỗi này.

Còn riêng cây cao su, đúng là chúng tôi rất chia sẻ với bà con và nông lâm trường của chúng ta, chủ yếu Tổng công ty Tập đoàn Cao su hiện nay gần 1 triệu hecta cao su. Cao su giá sẽ còn thấp một thời kỳ rất dài. Bởi vì sao? Chúng ta biết là từ nay đến năm 2050 thế giới có một xu hướng là kết thúc năng lượng hóa thạch, chuyển sang một dạng năng lượng văn minh hơn, năng lượng tái tạo, cho nên đồng nghĩa với sản lượng tăng là cao su nhân tạo tăng, cùng với sự trồi sụt của thế giới về tăng trưởng. Do đó, nhu cầu cao su tự nhiên hiện nay rất mất cân đối. Do đó, chủ trương chúng ta là chỗ nào hết chu kỳ kiên quyết không cho trồng lại cây cao su. Đó là chủ trương dài hạn.

 ĐBQH Phạm Văn Tuân (Thái Bình): Tôi không phủ nhận những kết quả rất phấn khởi trong xây dựng nông thôn mới vừa qua, nhất là về đích sớm hơn gần 2 năm. Song theo tôi thời gian qua mới tập trung vào xây dựng các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội; chưa thực sự làm chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, còn hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì để thúc đẩy phương thức tổ chức sản xuất, giải quyết tốt môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, người lao động ở khu vực nông thôn trong giai đoạn tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta vừa mới tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những thành tựu đạt được rất toàn diện và phải nói là bứt phá, Thủ tướng Chính phủ đã dùng một từ là: “một kết quả lịch sử”. Toàn bộ các thiết chế hạ tầng chúng ta chỉ trong vòng 9 năm được nâng lên với giá trị 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư. Một đất nước trong một thời gian rất ngắn như vậy 100% số xã có điện lưới, 99,1% số thôn có điện, đây là một sự cố gắng vượt bậc của chúng ta.

Tuy nhiên, đúng là còn những mặt khác tồn tại. Một là đời sống của người dân vùng nông thôn so với thực tế, so với yêu cầu và với nguyện vọng của chúng ta vẫn còn thấp. Hai là, một chỉ tiêu chất lượng chưa bảo đảm là về môi trường. Hiện nay mới bảo đảm có 63,7% số xã có thu gom rác thải. Đây là bước thu gom còn xử lý triệt để theo công nghệ mới lại hoàn toàn khác nữa. Các vấn đề liên quan đến môi trường từ môi trường sản xuất, môi trường tự nhiên còn là cả một vấn đề. Ba là, đã hình thành sản xuất lớn, sản xuất liên kết, sản xuất chuỗi ở khu vực nông thôn nhưng chưa thành phổ biến. Do đó dẫn đến nhiều vùng miền vẫn còn tình trạng người dân không mặn mà với ruộng đất. Đây là một câu hỏi để tới đây chúng ta phải tháo những cái nút và tích tụ thế nào? Rồi tái cơ cấu nông nghiệp nào? Đưa khoa học công nghệ nào? Rồi liên kết thành hợp tác xã như thế nào? Đại biểu phát biểu những nội dung về vấn đề tồn tại thì tới đây tại tổng kết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp cùng các ngành khác chuẩn bị tham mưu để tới đây giai đoạn 2021 - 2025 định dạng cho rõ, tập trung nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, tập trung nhóm giải pháp phải giải quyết cho được những nút thắt, những vấn đề còn tồn tại. Đó là thúc đẩy sản xuất. Đó là văn hóa xã hội. Đó là vấn đề môi trường. Đó là tổ chức sản xuất lớn.

Không chủ động thì sớm muộn cũng phải “nhường sân”

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội): Rút kinh nghiệm từ chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, xin Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có suy nghĩ như thế nào về chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho đường sắt, cho ngành công nghiệp tàu biển, cho vấn đề công nghiệp cơ khí trong nông nghiệp? Tôi đặt vấn đề này bởi vì chúng ta có hệ thống đô thị phát triển rất rộng  nên cần phải có mạng lưới ngành đường sắt đô thị, phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển cũng không chỉ đánh bắt hải sản mà chúng ta phải hướng tới dịch vụ hậu cần để vận tải biển. Trong nông nghiệp cũng đang chuyển từ sản xuất hộ gia đình sang những quy mô lớn, chuyển từ sản xuất thủ công sang nhà sản xuất tập trung phải có các phương tiện về cơ khí. Những vấn đề này đang là thế mạnh rất lớn của Trung Quốc, chúng ta không chủ động thì sớm muộn cũng sẽ nhường sân cho nước khác. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Một trong những nguyên nhân khó khăn nhất của chúng ta trong phát triển công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là nhỏ và vừa, có sự hạn chế về tất cả các điều kiện tiếp cận thị trường dù rõ ràng, có thị trường để tiếp cận như các dự án, các công trình hạ nguồn và các ngành công nghiệp hạ nguồn, trong đó có tuyến đường sắt Bắc - Nam cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của chúng ta, hay trong lĩnh vực về vận tải biển, thậm chí trong các lĩnh vực về khai thác các nguồn tài nguyên biển...

Trước kia chúng ta từng có những cơ chế đặc thù, trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng là chính sách 1774 để bảo đảm điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ được tham gia vào các chuỗi giá trị của công nghiệp năng lượng. Tuy nhiên, do những hoàn cảnh của pháp luật và những điều kiện của hội nhập hiện nay, chúng ta không còn thực thi cơ chế này.

Tuy nhiên, đây là một hướng mở ra để cho các cơ quan tham mưu chính sách của Chính phủ sẽ nghiên cứu để vận dụng cơ sở của pháp luật và đặc biệt của hội nhập quốc tế để tìm ra những dư địa, có những cơ chế mới để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là liên quan đến vấn đề cơ hội tiếp cận với thị trường để tiếp tục thúc đẩy sản xuất và phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án chiến lược phát triển để hướng tới những thị trường ở khu vực và quốc tế cho những sản phẩm của mình. Đặc biệt về vấn đề liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi mà trong đó có cả các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân có vai trò đầu đàn dẫn dắt các chuỗi đó. Một lần nữa, hôm nay, có rất nhiều thành viên Chính phủ, chúng tôi cũng rất mong muốn các bộ, ngành, trong đó có cả Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và rất nhiều đơn vị sẽ tiếp tục giúp Bộ Công thương để tham mưu với Chính phủ trong hoàn thiện cơ chế chính sách để chúng ta có những cơ chế khai thác và phát huy những cơ hội này. Bởi lẽ, việc tiếp cận qua những biện pháp hành chính là không hề đơn giản, khi điều này có thể đụng chạm đến những cam kết hội nhập cũng như nội dung khác của pháp luật.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Báo cáo của Bộ có nêu “tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm còn xảy ra nhiều, ở nhiều nơi, nhất là ở khu đô thị... làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết: Một, Bộ có giải pháp gì trong thời gian tới để khắc phục tình trạng nêu trên? Hai, trách nhiệm của Bộ trưởng và các cơ quan có liên quan để xảy ra tình trạng trên trong thời gian qua?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trên thực tế, những câu chuyện về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã tương đối phổ biến và xảy ra không còn là cá biệt tại các khu vực địa phương trên địa bàn cả nước của chúng ta. Đặc biệt là khi chúng ta đang hội nhập rất sâu và rộng với thế giới thì những câu chuyện này ngày càng phát triển và mạnh mẽ hơn, thậm chí là còn được tổ chức một cách rất tinh vi và có liên kết cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, thể hiện rõ qua vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, của Tổng cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Chúng tôi cũng cho rằng, Bộ Công thương, lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm của mình, trước tiên là lực lượng chủ công trong Ban chỉ đạo 389. Đồng thời, chúng ta cũng nhìn nhận thấy trách nhiệm của tất cả các lực lượng chức năng của cả hệ thống chính trị trong câu chuyện để đấu tranh cho buôn lậu, gian lận thương mại, thậm chí kể cả những thói quen tập quán trong tiêu dùng của chúng ta cũng đã tạo điều kiện tiếp tay cho những gian lận thương mại. Rất nhiều lần chúng ta cũng thấy là không chỉ có hàng thuốc giả, hàng mỹ phẩm giả, mà đơn giản là quần áo, rồi các đồ trang sức và những đồ tiêu dùng khác, hàng giả được bày bán công khai với sự tiếp tay của rất nhiều lực lượng chức năng tại địa phương. Chính vì vậy trong thời gian vừa qua Bộ Công thương đã quyết liệt trong xây dựng một loạt đề án đấu tranh từ chống đường buôn lậu, chống hàng giả gian lận trong sở hữu trí tuệ, cũng như những mặt hàng khác liên quan đời sống người dân như là mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... Chúng tôi cũng đang tổ chức những cuộc đấu tranh có trọng tâm và trọng điểm tại một số khu vực, địa bàn trọng điểm. Tới đây sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan để kiểm soát về thực phẩm chức năng, an toàn thực phẩm cũng như là các mặt hàng chữa bệnh để có những biện pháp đấu tranh hữu hiệu.

Tại diễn đàn QH này, tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình trong thời gian vừa qua là chưa quán xuyến và chưa bảo đảm hết được những yêu cầu trong đấu tranh những mặt hàng gian lận và hàng giả, hàng kém phẩm chất này. Chúng tôi cũng cam kết trong thời gian tới lực lượng chức năng của quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt và làm tốt hơn nữa trách nhiệm mình trong chủ động và phối hợp với các địa phương cũng như với các lực lượng chức năng của đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Nguyễn Bình lược ghi
Ảnh: Lâm Hiển - Quang Khánh