Cần đưa quy hoạch bảo vệ môi trường vào luật

- Thứ Bảy, 14/12/2013, 08:42 - Chia sẻ
Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) là việc bố trí không gian các hoạt động phát triển và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường trên một vùng lãnh thổ xác định nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại nhưng nếu xuất phát từ thực tiễn, việc đưa nội dung này vào Luật BVMT (sửa đổi) là điều vô cùng cần thiết.

Nguồn: adbank.com

Lo ngại chồng chéo

Một số chuyên gia cho rằng, khái niệm quy hoạch BVMT là khái niệm mới ở nước ta với nội hàm chưa thật sự rõ ràng, trong khi thực tế đã tồn tại nhiều loại quy hoạch liên quan tới môi trường. Đơn cử như quy định về lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch xử lý rác thải nguy hại, quy hoạch xử lý chất thải rắn thông thường, quy hoạch BVMT các lưu vực sông hay quan trắc môi trường. Điều này rất dễ tạo ra sự chồng chéo, trùng lặp với các quy hoạch có liên quan.

“Quy hoạch riêng lẻ từng nội dung liên quan đến môi trường đã khó, quy hoạch tổng thể mà bao gồm nhiều nội dung sẽ càng khó khăn hơn, dễ dẫn tới sự thiếu liên kết hay thiếu tính chặt chẽ” - một chuyên gia nói.

Thực tế cho thấy, chỉ riêng nội dung về quy hoạch chất thải rắn đã phát sinh nhiều điểm bất hợp lý, vấn đề quy hoạch các bãi chôn lấp hoặc công trình xử lý chất thải rắn thông thường mặc dù đã được thực hiện trên phạm vi cả nước nhưng đến khi tổ chức triển khai lại có nhiều vị trí không phù hợp, gặp phải sự phản ứng của người dân. Một số địa phương cũng rất lúng túng trong việc tìm kiếm, lựa chọn các bãi chôn lấp hoặc công trình xử lý chất thải rắn thông thường.

Mặt khác, quy hoạch BVMT mang tính tổng hợp các quy hoạch chuyên ngành và thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành. Đây là vấn đề rất phức tạp, ít chuyên gia có kinh nghiệm trong khi việc lập quy hoạch cấp tỉnh cũng chưa đạt hiệu quả cao. Chính vì lẽ đó mà việc quy định chi tiết nội dung này trong dự thảo sẽ vướng nhiều điểm, sẽ thiếu tính khả thi, không phù hợp với các quy hoạch hiện có. Chỉ nên đưa ra các định hướng như quan điểm, mục tiêu, yêu cầu BVMT hay khoanh vùng phát triển cho những khu vực cụ thể.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu, xem xét và xây dựng Luật Quy hoạch nhưng cho tới nay vẫn chưa đưa ra được khái niệm hoàn chỉnh về quy hoạch. Trong khi đó, quy hoạch môi trường cũng là nội dung sẽ được đề cập trong văn bản này theo tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-TƯ. Đây cũng là cơ sở cho kiến nghị, cần phải lùi thời gian đưa nội dung quy hoạch BVMT vào Luật để bảo đảm tính thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Cần có quy hoạch BVMT

Trước những lo ngại trên, Bộ Tài nguyên và Môi Trường đang cân nhắc về việc đưa nội dung quy hoạch BVMT vào Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Song, xuất phát từ thực tiễn, có thể nhận thấy, quy hoạch BVMT có tính chất khác biệt, nếu như quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch xử lý chất thải nguy hại hay quan trắc môi trường chỉ được lập để xử lý các vấn đề môi trường đã xảy ra thì quy hoạch BVMT lại mang tính chất phòng ngừa.

Quy hoạch BVMT được luật hóa sẽ là cơ sở khoa học và pháp lý điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với mục đích gắn kết chặt chẽ với BVMT. “Xung đột môi trường giữa người dân và doanh nghiệp gây ô nhiễm trong thời gian qua như vụ chôn lấp hóa chất ở Thanh Hóa hay xử lý nước thải ở Bắc Ninh rồi tới lũ lụt ở miền Trung đều bắt nguồn từ sự thiếu quy hoạch môi trường, tức là không có các quy định đầy đủ, rõ ràng về việc quy hoạch xây dựng các nhà máy hoặc cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm và thảm họa môi trường” - ĐBQH Đỗ Văn Vẻ, tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.

Để bảo đảm phát triển bền vững từng lưu vực sông, các vùng kinh tế trọng điểm, tránh xung đột trong việc kêu gọi đầu tư đòi hỏi phải có quy hoạch BVMT. Thực tế cũng cho thấy, tình trạng thu hút, bố trí các dự án thiếu hợp lý trên các lưu vực sông đã khiến nhiều địa phương thuộc hạ lưu phải hứng chịu ô nhiễm từ phía thượng lưu. Hay như trong một buổi họp, các chuyên gia cũng từng đề cập tới quy hoạch vùng, nếu huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái thì ngay bên kia sông Sài Gòn lại tấp nập tàu thuyền bốc dỡ hàng, gây ô nhiễm môi trường.

Thêm nữa, vì nhu cầu bức thiết trong công tác quản lý môi trường, một số địa phương đã chủ động xây dựng quy hoạch BVMT nhưng tài liệu báo cáo quy hoạch cũng chỉ để tham khảo mà không bảo đảm tính pháp lý vì quy hoạch BVMT chưa được luật hóa. Đưa nội dung này vào Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý giúp các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý đồng thời các tổ chức, cá nhân cũng chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh gắn với BVMT.

Điều quan trọng là chất lượng công tác quy hoạch phải đi trước một bước, phải đặt trách nhiệm lên hàng đầu, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc gắn kết quy hoạch BVMT với quy hoạch đa dạng sinh học, tạo sự cân bằng để phát triển bền vững.

Thảo Mộc