Cần động lực tăng trưởng để củng cố sự hồi phục

- Thứ Năm, 30/07/2020, 23:33 - Chia sẻ
Chiều 30.7, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với tiêu đề "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19".

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nay được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua. Tăng trưởng kinh tế giảm từ khoảng 6,97% vào cuối năm 2019 xuống còn 0,36% quý II năm 2020. Mặc dù vẫn đứng vững trong nửa đầu năm 2020, nhưng nền kinh tế của Việt Nam chỉ tăng trưởng được 1,8%, tương đương với mức giảm xấp xỉ 5 điểm % so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó của quốc gia.

Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Việt Nam Stefanie Stallmeister cho biết, đại dịch cũng gây ra khó khăn về kinh tế cho nhiều đối tượng. Chính phủ ước tính có khoảng 30 triệu người lao động, tương đương một nửa lực lượng lao động đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch và trong số đó, khoảng 8 triệu người đã bị mất việc làm. Các chính sách giãn cách xã hội đã được nới lỏng từ cuối tháng 4 rõ ràng đã giúp sức cho nhiều hoạt động kinh tế trong nước, bao gồm cả các hoạt động của hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, các ngành nghề chủ đạo vẫn phải chịu bất an về tài chính như du lịch, vận tải hàng không, chế biến xuất khẩu.

Báo cáo điểm lại được công bố của Ngân hàng Thế giới lập luận rằng, Việt Nam không nên tư duy theo hướng trở lại trạng thái bình thường như cũ, mà thay vào đó nên xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau.

Thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước, khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị một số biện pháp bổ trợ mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế Covid-19 và để có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó. Chính phủ cần phải chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng kết hợp như: thận trọng mở cửa biên giới, triển khai gói kích thích tài khóa quy mô lớn và hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhất trong xã hội.

Bằng góc nhìn lạc quan, Ngân hàng Thế giới tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất trên thế giới. “Theo dự báo mới nhất của chúng tôi, tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,8% vào năm 2020 và sẽ phục hồi mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo trên cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020”, bà Stefanie Stallmeister nhận định.

Minh Trang