Thẩm định sách giáo khoa mới

Cần điều chỉnh Thông tư 33?

- Thứ Tư, 18/09/2019, 08:19 - Chia sẻ
Qua những tranh cãi về việc bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác thẩm định sách giáo khoa mới đang tư biện và thiếu thực tiễn. Vì vậy, bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, cần thêm những kênh khác như lấy ý kiến của giáo viên, học sinh, đánh giá thực tiễn của bộ sách để bảo đảm sự khách quan, công bằng.

Lỗi do Hội đồng thẩm định?

Việc triển khai chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền sách giáo khoa, huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh để có những bộ sách giáo khoa tốt nhất. Tuy nhiên, TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), cho rằng, cách làm Thông tư 33 và những quy định chỉ tiêu thẩm định sách giáo khoa của Bộ GD - ĐT hiện nay là tư biện, dựa trên kinh nghiệm và thiếu thực tiễn.

“Việc đánh trượt sách công nghệ giáo dục vì cho rằng nó khó là không được, trong khi đó cuộc sống lại chấp nhận, học sinh giáo viên đón nhận vui vẻ, hồ hởi. Hiện có trên 931 nghìn học sinh tiểu học ở 49 tỉnh, thành phố, cả nước dạy công nghệ giáo dục và có thành quả nhất định. Chưa kể, vừa mới hai năm trước, 2017 và 2018, Bộ đã hai lần thành lập Hội đồng thẩm định sách công nghệ giáo dục và đều kết luận đạt, lần này lại nói không đạt thì thật khó hiểu”, ông Hào nói.

Ông Nguyễn Kế Hào cũng cho rằng, công tác thẩm định sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới đang đi ngược lại với tinh thần đổi mới của Nghị quyết 88. Chương trình giáo dục mới là chương trình mở để phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh, để học sinh có thể phát huy tối đa sở trường. Nhưng hội đồng thẩm định lại yêu cầu sách không được vượt chuẩn, nghĩa là một chương trình đóng. Nghị quyết 29 chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, nhưng hội đồng thẩm định lại nói sách phải đủ, không được thừa, cũng không được thiếu. Như vậy, nhiều nhưng bản chất chỉ là một, vì cùng một khuôn. Tinh thần của chương trình mới là đúng nhưng thực hiện đang sai. Giáo dục phát triển năng lực là phải “nhiều món” để học sinh lựa chọn”.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, TS. Phạm Tất Thắng cho biết, bản thân cũng khá ngạc nhiên về việc bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Quốc gia loại ngay từ vòng thẩm định. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, đây là một mâu thuẫn hiển nhiên vì hội đồng hiện nay làm việc theo Thông tư 33, thẩm định sách giáo khoa đáp ứng chương trình phổ thông mới. Chương trình mới khác cơ bản về cách tiếp cận, cách thức thể hiện chương trình cũng như nội dung cơ bản so với theo chương trình và sách giáo khoa cũ”, ông Thắng chia sẻ.

Nguyên Vụ trưởng Vụ tiểu học Nguyễn Kế Hào cũng cho rằng, lỗi không phải do Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa vì Hội đồng căn cứ vào Thông tư 33 về hướng dẫn thẩm định sách giáo khoa. Do đó, ông Nguyễn Kế Hào cho rằng, Bộ GD - ĐT cần điều chỉnh Thông tư 33 linh hoạt hơn. “Các quy định cần bảo đảm sự đa dạng sách giáo khoa, miễn không vi phạm chính trị, khoa học, đáp ứng chuẩn yêu cầu tối thiểu. Còn khó hay dễ là cuộc sống, người dùng lựa chọn và đánh giá”, ông Hào nói.

Xuất phát từ tinh thần cầu thị vì giáo dục

 Thông tư 33 được Bộ trưởng Bộ GD - ĐT ban hành năm 2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Nhìn từ câu chuyện tranh cãi quanh việc sách “Công nghệ giáo dục” bị đánh giá “không đạt”, có ý kiến cho rằng, bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, cần thêm những kênh khác như lấy ý kiến của giáo viên, học sinh, đánh giá của thực tiễn về các bộ sách để bảo đảm khách quan, công bằng. Bày tỏ quan điểm về ý kiến này, Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, trong quá trình thẩm định một vấn đề liên quan đến xã hội thì việc lấy ý kiến phản hồi, tác động với xã hội, đối tượng bị điều chỉnh là việc làm cần thiết. Sự phản ứng và ý kiến trái chiều của dư luận cũng là bình thường và Hội đồng thẩm định nên đón nhận nó một cách tích cực. Nếu không có ý kiến tranh luận, trao đổi cũng là điều đáng tiếc, không phù hợp với quy luật phát triển.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Văn Tình cũng khẳng định, bất cứ bộ sách giáo khoa nào được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông mới phải biên soạn trên tinh thần giáo dục phổ thông mới, thực hiện theo Nghị quyết 88. “Nếu chúng ta xuất phát từ tinh thần cầu thị vì giáo dục thì chúng ta phải xem xét ý kiến của hội đồng có xác đáng hay không và chủ biên có nên lưu ý hay không? GS. Hồ Ngọc Đại không có ý định sửa chữa, đó cũng là quyền của chủ biên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khi chúng ta tham gia một cuộc thi chúng ta phải tuân theo ý kiến của giám khảo hoặc nếu không đồng tình chúng ta có quyền phúc tra về kết quả đó. Đánh giá bộ sách giáo khoa là vấn đề hệ trọng và chúng ta cần đánh giá thật khách quan”, ông Tình nói.

Từ kinh nghiệm thực tế thẩm định 4 bộ sách giáo khoa trong giai đoạn làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, PGS Nguyễn Kế Hào cho biết, việc thẩm định cần linh hoạt, không cứng nhắc. “Khi chúng tôi xây dựng chuẩn kiến thức kỹ năng và các chương trình đều phải đáp ứng tiêu chuẩn ở mức tối thiểu. Còn các nội dung khác có thể tăng lên tùy theo từng đối tượng học sinh. Có chương trình 165 tuần, có chương trình chỉ 100 tuần dành cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, chương trình 120 tuần dành cho học sinh miền núi và chương trình công nghệ giáo dục. Mục tiêu và chuẩn thống nhất nhưng đa dạng hóa tài liệu học tập, phương thức tổ chức để phù hợp với đa dạng hóa đối tượng học sinh ở từng địa phương. Vì thế, năm 2000 Việt Nam đạt phổ cập giáo dục xóa mù chữ, đó là một thành tựu lớn”, ông Hào chia sẻ.

Khải Minh