Cần đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp quy mô, hiện đại

- Thứ Tư, 04/12/2019, 18:32 - Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ đại biểu số 5, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các tờ trình của UBND TP về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công nghiệp, dịch vụ; phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo di tích; giải pháp giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…

Không được lãng phí tài nguyên đất

Đại biểu Đoàn Văn Trọng (tổ Mê Linh) cho rằng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP trong năm có tăng nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, Thành phố cần tích cực đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp. Đại biểu phản ánh, trên địa bàn huyện Mê Linh có khu công nghiệp Quang Minh 2 đã được quy hoạch từ năm 2002 và giao cho chủ đầu tư người Đài Loan làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án rất chậm triển khai và mới dừng ở duyệt quy hoạch 1/500. Đại biểu đề nghị TP xem xét lại năng lực chủ đầu tư để sớm triển khai dự án, tránh lãng phí tài nguyên đất, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô. Đại biểu đề nghị Thành phố xem xét, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực cần phải thu hồi lại dự án để giao cho chủ đầu tư khác thực hiện. Đồng thời, đối với những khu vực người dân dành đất để phát triển khu công nghiệp Thành phố cũng cần có các cơ chế hỗ trợ như hỗ trợ về hạ tầng, đường làng, ngõ xóm…

Băn khoăn về các nguồn lực của Thành phố bị sử dụng lãng phí, đại biểu Trần Thị Vân Hoa (tổ Tây Hồ) cho rằng tốc độ tăng trưởng GRDP công nghiệp - dịch vụ chưa tương xứng với tiền năng Thủ đô. Trong khi vốn giải ngân xây dựng cơ bản rất chậm, chỉ đạt hơn 39%, nhiều dự án xây dựng hạ tầng không đảm bảo tiến độ, làm thất thoát tài sản, tiền của của nhà nước, từ thực trạng trên đại biểu cho rằng có tiền mà không làm được dự án, không giải ngân xây dựng được là có tội với nhân dân. Đồng thời, đại biểu cũng phản ánh hiện còn rất nhiều dự án chậm tiến độ và đề nghị TP kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai, nếu cần thì thu hồi để tránh lãng phí đất, nhất là các dự án dân sinh bức xúc, điển hình như dự án Chợ Xuân La, hơn 10 năm chưa triển khai mà dân thì không có chợ.
Cùng với đó, Đại biểu cũng phản ánh, đến nay, mới có 1/13 DN phê duyệt được phương án cổ phần hóa, 1/31 DN thực hiện được việc thoái vốn. Như vậy là tiến độ cổ phần hóa DN diễn ra rất chậm, gây lãng phí nguồn lực nhà nước. Đại biểu đề nghị TP cần có giải pháp cụ thể về vấn đề này.
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (tổ Gia Lâm) đề nghị TP xem xét độ hiệu quả của Ban Đổi mới doanh nghiệp. TP cần xem xét, giải quyết triệt để các khó khăn, tạo điều kiện để cho DN cổ phần hóa, để làm được việc này, cần quy trách nhiệm rõ cho tường đơn vị, các sở ngành cũng cần tích cực vào cuộc để hỗ trợ DN.
Đại biểu Thích Chiếu Tuệ (tổ Hoàng Mai) phản ánh hiện việc ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn đề cần tập trung giải quyết. Những vấn đề trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng là tác nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế khi mà các doanh nghiệp nước ngoài đắn đo không muốn đầu tư vào Hà Nội. Đại biểu đề nghị UBND TP cần tập trung giải quyết các vấn đề nêu trên. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Thành phố quan tâm đầu tư, tôn tạo các điểm di tích văn hóa nhất là Hoàng Thành Thăng Long, Thư viện Hà Nội… phát triển các điểm này thành nét đặc trưng của Hà Nội để gìn giữ văn hóa cũng như thu hút khách du lịch.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận các ý kiến của các đại biểu. Đồng thời, với tư cách là Đại biểu HĐND TP, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc tuấn cũng đặt ra các vấn đề để Thành phố nghiên cứu giải quyết như để giảm ùn tắc giao thông cần phải triển khai tốt hệ thống giao thông công cộng, đến nay, theo thống kee của Sở GTVT mới có 15% hành khách sử dụng phương tiện công cộng và dự tính đến năm 2020 là 20%. Để tăng hành khách sử dụng phương tiện công cộng cần đẩy nhanh tiến độ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; đối với tuyến đường số 3 Nhổn - ga Hà Nội, trong năm 2020, phải khai thác đoạn trên cao trước từ Nhổn đến Khạch sạn Daewoo.
Về tiến độ cổ phần hóa DN, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cũng cho rằng Thành phố cần có lộ trình, bước đi, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đối với các dự án chậm triển khai, HĐND TP đã có Nghị quyết về vấn đề này và đề nghị UBND TP nghiêm túc thực hiện, kiên quyết thu hồi các dự án chủ đầu tư yếu, kém năng lực dẫn đến chậm tiến độ.
 
Quản lý đất đai còn nhiều bất cập 
Đại biểu Đinh Trường Thọ (huyện Thanh Oai) nêu ý kiến về tình trạng xây dựng không phép, sai phép ở các quận giảm nhiều nhưng quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở huyện khó khăn bởi thiếu chế tài đủ mạnh. Công nghệ xây dựng hiện rất nhanh, sau một đêm dựng xong khung mái tôn, hình thành dãy nhà. Do đó, nếu không có chế tài mạnh thì không thể xử lý được vì huyện không đủ thẩm quyền. Ngoài ra, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, làm nơi tập kết bán vật liệu xây dựng vô cùng tràn lan, các huyện khó khăn trong quản lý nếu không có chế tài mạnh.
Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về các nội dung: Quy hoạch, cải tạo chung cư cũ, ô nhiễm không khí, vấn đề nước sạch. Các đại biểu cho rằng, Thành phố cần sớm hoàn thành các quy hoạch phân khu để thúc đẩy đô thị hóa; tăng cường giải pháp tăng thu ngân sách qua khai thác nguồn lực đất đai. Đối với việc cải tạo chung cư cũ, hiện vẫn đang bế tắc và trong báo cáo chỉ nêu chung chung. Do đó, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần phải đánh giá cụ thể những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể để triển khai trong thời gian tới.
Về vấn đề giao thông đô thị, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Thành phố nên có nghị quyết tập trung nguồn lực cho phát triển giao thông đô thị, đặc biệt là phát triển các tuyến Đường sắt đô thị theo quy hoạch để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông hiện nay, đồng thời, góp phần hạn chế các phương tiện cá nhân, giảm thiểu khí thải, một trong những nguyên nhân chính gây ôn nhiễm không khí hiện nay.

P.L