Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Căn cứ xuyên suốt trong xác định đối tượng

- Chủ Nhật, 13/09/2020, 08:15 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội chuyên trách tán thành với việc phân loại dự án phải tiến hành đánh giá sơ bộ tác động môi trường dựa trên tiêu chí về môi trường, thay vì dựa trên các tiêu chí về loại hình dự án, quy mô vốn đầu tư… nhằm phù hợp với bản chất của việc đánh giá tác động môi trường và thông lệ quốc tế. Các đại biểu cho rằng, đây là căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường và quan trọng nhất là xác định địa điểm đầu tư dự án có thực sự phù hợp với môi trường hay không.

Phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường

Hiện nay, việc phân loại dự án dựa trên nguồn vốn đầu tư và thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa tiếp cận phân loại dự án theo mức độ tác động của dự án đến môi trường để có phương thức quản lý tương ứng. Điều này dẫn đến việc các dự án có tác động đến môi trường và xã hội nhỏ nhưng vẫn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong khi các dự án khác có tác động lớn đến môi trường lại chỉ yêu cầu có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc thậm chí không phải tiến hành đánh giá tác động môi trường. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án là: Phương án 1 (Phương án Chính phủ trình theo Tờ trình số 252/TTr-CP), thể hiện tại Điều 30a dự thảo Luật, cơ bản dựa trên phân loại dự án theo Luật Đầu tư công nhằm xác định đối tượng dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường); Phương án 2, thể hiện tại Điều 30b dự thảo Luật, dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường. Theo phương án 2, chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. 

Chọn phương án 2, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, dự thảo Luật có sự điều chỉnh phân loại các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường, tức là theo mức độ tác động đến môi trường để có cách thức quản lý phù hợp, từ khâu xét duyệt chủ trương đầu tư đến thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phê duyệt dự án, cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về môi trường, quan trắc, giám sát, thanh tra môi trường. Bà cũng đồng tình với việc dự thảo Luật đã quy định 3 tiêu chí về môi trường dựa trên mức độ tác động đến môi trường, gồm: tiêu chí về loại hình, quy mô của dự án gắn với tính chất của chất thải; tiêu chí về diện tích đất mặt nước bị chiếm dụng, quy mô di dân và tái định cư; tiêu chí về mức độ nhạy cảm về môi trường và xã hội nơi thực hiện dự án. Đồng thời, cho rằng, đây là xuất phát điểm rất quan trọng và theo dự thảo Luật, yêu cầu về mức độ và quy trình thực hiện ĐTM, quản lý môi trường của các dự án tương ứng với tác động của các nhóm dự án đến môi trường là khác nhau. 

Về tính tương thích liên quan của Luật Bảo vệ môi trường đối với các luật hiện hành, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, Điều 33, Luật Đầu tư đã quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định đối tượng phải có đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo các tiêu chí về môi trường là phù hợp với Luật Đầu tư. 

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị, bổ sung những quy định về trình tự, thủ tục đối với đánh giá tác động môi trường sơ bộ tại Điều 30 dự thảo Luật, vì là các quy định ở các đánh giá tác động môi trường khác đã quy định trình tự, thủ tục nhưng ở nội dung này chưa thấy quy định. ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải xác định được địa điểm đầu tư dự án có thực sự phù hợp với môi trường hay không để tiến hành các bước tiếp theo. Do đó, dự thảo Luật cần phân loại dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ cho phù hợp với bản chất của việc đánh giá, phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng mà Quốc hội vừa ban hành.

Cần thống nhất về thuật ngữ 

Không tán thành với phương án 2, ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) chọn phương án 1 với lý do, thực tiễn trong thời gian qua có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường xong thì xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định hai bước lập đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao là cần thiết. Đại biểu cũng thống nhất với thuật ngữ "đánh giá sơ bộ tác động môi trường” nhằm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trước đó đã ban hành.

Làm rõ việc phân loại dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trên thế giới, đa số các nước coi quá trình đánh giá tác động môi trường gồm nhiều bước và việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường là bước đầu tiên. Tất nhiên, không phải tất cả các dự án đều cần phải thực hiện bước này mà có tiêu chí về tác động môi trường để xác định dự án. Hiện nay, chúng ta mới dựa trên Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư để phân loại dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, quan tâm đến nguồn lực đầu tư nhà nước và dựa trên thẩm quyền phê duyệt. 

Tuy nhiên, trên thực tế, có những dự án hầu như không có tác động đến môi trường, không có nguồn thải, chất thải tác động đến môi trường chẳng hạn như một số dự án du lịch, chỉnh trang lại các khu di tích, chủ yếu là về văn hóa và kiến trúc, nhưng do chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ nên vẫn phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Mặt khác, có những dự án như Formosa, Lee & Man và nhiều doanh nghiệp dệt nhuộm, giấy… do đầu tư của tư nhân hoặc nước ngoài nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội không phải phê duyệt chủ trương đầu tư. Mặc dù chúng ta có chú ý đến các tiêu chí về tác động và ảnh hưởng của dự án đến đa dạng sinh học và nguồn chất thải của dự án tác động đến môi trường trong quá trình hoạt động nhưng các tiêu chí này không thống nhất. Rất nhiều dự án hiện nay do cấp tỉnh phê duyệt, nguồn thải rất lớn nhưng do quy mô đầu tư là tư nhân nên chưa được tính toán. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, tiêu chí phân loại dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường hiện hành hết sức bất cập, không dựa trên cơ sở khoa học và thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế về môi trường dựa trên các tiêu chí: mức độ ảnh hưởng, tác động của nguồn chất thải; phạm vi tác động môi trường sẽ đặt nhà máy sản xuất và tác động lên môi trường đó, bao gồm đa dạng sinh học, dòng chảy, liên quan đến môi trường tiếp nhận, khu dân cư, đa dạng sinh học… 

Hiện nay, Bộ đưa ra 17 loại lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, chắc chắn phải thực hiện đánh giá môi trường sơ bộ, trong đó có ngành thép, ngành dệt, nhuộm… Nếu nói về môi trường thì có thể hình dung ngay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết. Tuy vậy, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng nhấn mạnh, “chúng tôi không coi đó là một thủ tục mà coi đó là việc mà chủ đầu tư phải có trách nhiệm phân tích, để khi quyết định các chủ trương đầu tư thì chúng ta có đầu vào quyết định là có phù hợp với quy hoạch không, có phù hợp vị trí không…”. Việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ là cơ sở khoa học để đưa ra dự báo, để quyết định các chủ trương đầu tư và quyết định đến việc đưa ra các giải pháp cụ thể về công nghệ quản lý đối với dự án ở giai đoạn đang chuẩn bị đầu tư nhằm đáp ứng các quy chuẩn môi trường. Bởi vậy, các quy định này hết sức cần thiết và nên dùng cho thống nhất về thuật ngữ, có thể là "đánh giá tác động môi trường sơ bộ”, Bộ trưởng nói.

Ngọc Khánh