Góc nhìn

Căn cứ từ yêu cầu thực tế

- Thứ Sáu, 09/08/2019, 07:28 - Chia sẻ
Một trong những câu chuyện về tinh giản biên chế được dư luận quan tâm nhất tuần này, đó là thông tin 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội phê duyệt 107 trường hợp tinh giản biên chế, trong đó chỉ 7 trường hợp thôi việc, còn lại là nghỉ hưu trước tuổi. Cùng thời điểm, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018 - 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra tình trạng tinh giản biên chế cứng nhắc, máy móc, dẫn đến có địa phương không có biên chế để tuyển mới, thiếu giáo viên trầm trọng.

Thực tế, tinh giản biên chế luôn là vấn đề được xã hội quan tâm và nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, ngành, nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng hiệu suất lao động, để đồng tiền ngân sách được chi trả đúng người, đúng việc. Nhưng tinh giản thế nào cho đúng có lẽ không phải việc đơn giản.

Câu chuyện giảm biên chế chủ yếu là người sắp nghỉ hưu không chỉ xảy ra ở Hà Nội. Theo Bộ Nội vụ giai đoạn 2016 - 2018, cả nước chỉ giảm được 86.300 biên chế, trong đó giảm 12.400 công chức và 73.900 viên chức, người lao động. Trong đó, người về hưu, thôi việc ngay theo Nghị định số 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế khoảng 40.500 người. Mới đây nhất, từ tháng 10.2018 đến ngày 30.6.2019, toàn quốc đã tinh giản được 1.015 người, trong đó có đến 650 người là hợp đồng lao động. Tinh giản biên chế nếu vẫn chỉ dừng ở những trường hợp nghỉ hưu sớm, hợp đồng lao động, làm sao đạt được mục tiêu gọn nhẹ bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ? Làm sao đưa ra khỏi bộ máy những người hoạt động không hiệu quả?

Ngược lại, đối với một lĩnh vực quan trọng như giáo dục, tinh thần tinh giản biên chế dường như đang khiến việc hủy hợp đồng với các giáo viên đang ngày càng diễn ra nhanh, mạnh và khẩn trương hơn bao giờ hết. Trong khi đó, số lượng tăng biên chế ở các địa phương hầu như không có, tình trạng thiếu giáo viên, dồn lớp, tăng học sinh khá phổ biến. Trong bối cảnh ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, liệu đây có phải là một rào cản? Đơn cử như tại Kiên Giang, từ năm 2015 đến nay không có thêm biên chế. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non chiếm khoảng 60 - 70%.

Để bảo đảm như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, “ở đâu có lớp học, ở đó có giáo viên”, tinh giản cũng cần linh hoạt, căn cứ vào yêu cầu thực tế của từng địa phương, tránh nguyên tắc máy móc. Sẽ bất cập nếu áp dụng một tỷ lệ tinh giản chung với các cơ quan, đơn vị đang thiếu biên chế. Thực tế đã có trường, khi rà soát phải cắt giảm giáo viên dạy âm nhạc duy nhất đã có 10 năm hợp đồng. Tóm lại, tinh giản biên chế muốn hiệu quả là phải giảm người thừa, để xác định được người thừa phải căn cứ vào vị trí việc làm. Đối với ngành giáo dục, việc giảm biên chế tập trung trước hết vào những vị trí gián tiếp, còn phải đủ giáo viên để dạy học; thực hiện sĩ số học sinh trong một lớp không đông hơn mức cần thiết để bảo đảm chất lượng.

Tinh giản biên chế không đơn thuần là giảm về số lượng người mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc. Căn cứ vào vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tránh tình trạng người làm được việc thì đi, người không làm được việc thì ở lại, đặc biệt là xác định được những vị trí không nhất thiết phải bố trí người. Từ việc tổng hợp số người dư ra khi xác định vị trí việc làm thì mới có cơ sở để xác định số biên chế cần tinh giản, thay vì đưa ra con số phải tinh giản như nhiều bộ, ngành, địa phương đang làm.      

Chi An