Cần có quy hoạch logistics theo vùng và loại hình

- Thứ Năm, 09/07/2020, 16:53 - Chia sẻ
Ngày 9.7, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Cắt giảm chi phí logistics - giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt”. Hội nghị ghi nhận nhiều đánh giá, kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, các ban ngành, đơn vị liên quan, từ đó đặt ra yêu cầu cần phải có các biện pháp để cắt giảm chi phí logistics như đưa các vùng chế biến về gần nơi sản xuất, xây dựng quy trình kiểm dịch, các trung tâm kết nối vận tải đa phương thức…

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) NGUYỄN DUY MINH:
Đưa các vùng chế biến về gần nơi sản xuất

Phó Chủ tịch VLA NGUYỄN DUY MINH - (Nguồn: ITN)
Phó Chủ tịch VLA NGUYỄN DUY MINH.
Nguồn: ITN

Các yếu tố làm tăng chi phí logistics bao gồm vận chuyển, tối ưu hóa vận chuyển 2 chiều không hiệu quả, phụ phí và các phí địa phương do chủ hàng và nước chủ nhà áp. Bên cạnh đó là chi phí hải quan, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng khiến chi phí logistics tăng cao.

Bất cứ tổ hợp chế biến nào cũng phải gắn với vùng nguyên liệu, vùng nguyên liệu là vấn đề cốt lõi của chế biến, trung chuyển xa, các khu vực chế biến nằm xa vùng sản xuất sẽ khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao và gây ra hao hụt trong quá trình vận chuyển. Điều này đặt ra vấn đề về quy hoạch tổng thể, đưa các vùng chế biến về gần nơi sản xuất.

Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNN) NGUYỄN QUỐC TOẢN:
Cần có đề án tổng thể theo từng vùng

Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNN) NGUYỄN QUỐC TOẢN
Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản NGUYỄN QUỐC TOẢN.
Nguồn: ITN

Nên trình Chính phủ một chiến lược logistic, có thể là một đề án tổng thể căn cơ theo từng vùng như Bắc Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng… để tối ưu hóa được quy hoạch vùng nhằm giảm chi phí logistics cho nông nghiệp.

Đây không còn là vấn đề của riêng bộ, ngành hay địa phương nào. Để giải quyết các vấn đề về logistics, phải có thiết chế đối với vùng kinh tế. Cần có quy hoạch logistics theo vùng, theo loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại, từ đó, đạt được sự liên kết giao thông, cảng biển, hàng không, các trạm trung chuyển, các dịch vụ công, thậm chí các thủ tục hành chính…

Chủ tịch VIDA TRƯƠNG GIA BÌNH:
Xây dựng quy trình kiểm dịch nhanh chóng

Chủ tịch VIDA TRƯƠNG GIA BÌNH - (Nguồn: ITN)
Chủ tịch VIDA TRƯƠNG GIA BÌNH.
Nguồn: ITN

Nên xây dựng lại quy trình kiểm dịch để phù hợp với quy định của nhà nhập khẩu, ví dụ như ở Đồng Nai có thể kiểm dịch bằng đóng gói kho lạnh. Kiểm dịch tại chỗ, rút ngắn thời gian kiểm dịch để tránh hỏng hóc cũng như giảm chi phí cho các nhà sản xuất nông sản cũng như bảo vệ chất lượng nông sản.

Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ cho các vùng đã được đăng ký và đã có những tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… Trong chuỗi giá trị nông sản, chiếm 3% là chi phí logistic, trong khi đó tỷ lệ hao hụt rất lớn và nhất là trong giai đoạn vừa rồi chi phí về cảng và tàu biển có những biến động nhất định, việc có những luật lệ mới đưa ra từ những nước nhập khẩu hàng hóa từ nước ta. Ví dụ như Trung Quốc quy định thời gian 12 tiếng để kiểm dịch. Trong khi đó cung ứng về container lạnh của chúng ta còn rất yếu và nếu có thể kiểm dịch ngay tại chỗ, ngay tại kho lạnh và có những công nghệ giữa các nhà cung ứng thì lúc đấy sẽ nâng được giá trị nông sản và bảo vệ chất lượng của sản phẩm.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam PHAN QUỐC ANH:
Cần có trung tâm kết nối vận tải đa phương thức

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam PHAN QUỐC ANH - (Nguồn: ITN)
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam PHAN QUỐC ANH.
Nguồn: ITN

Trong kết cấu hạ tầng đường sắt, hiện nay khó nhất là kết nối giữa ga đường sắt và các phương thức vận tải khác để vận chuyển, phân phối hàng hóa. Chi phí tới các điểm giao hàng cao vì đường sắt không kết nối được với các trung tâm logistic. Việc phải vận chuyển từ các trung tâm, khu tập trung công nghiệp vào đến ga đường sắt thì phải có trung chuyển, điều này làm tăng chi phí trung chuyển giữa đường sắt với các phương tiện khác.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã nỗ lực trong việc huy động vốn xã hội hóa để cải thiện kho bãi, xây dựng trung tâm kết nối vận tải đa phương thức như ở Đông Anh, Lào Cai... hay các tuyến vận tải quốc tế qua Trung Quốc. Vì vậy cần phải có sự đầu tư hơn nữa vào kết nối hạ tầng, trong quy hoạch nên có đất dành cho ngành vận tải đường sắt.

Thảo Anh