Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa phòng cháy chữa cháy

- Thứ Sáu, 16/08/2019, 12:59 - Chia sẻ
Sáng 16.8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH, Đại tưướng Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH cho ý kiến với Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018.

Đô thị hóa nhanh tác động đến tình hình cháy nổ

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh; số lượng các cơ sở, công trình, khu công nghiệp, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở khác ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô; trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị; biến đổi khí hậu toàn cầu làm nhiệt độ trái đất tăng lên, phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất ở nhiều nơi còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, đã tác động không nhỏ đến tình hình cháy, nổ và công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) trên cả nước.


Toàn cảnh phiên họp Ảnh: Quang Khánh

Qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC. Tuy nhiên hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên ý thức của người dân về PCCC ở nhiều nơi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn thấp.

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cơ bản được ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế về PCCC. Tuy nhiên, Đoàn giám sát nhận thấy, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những quy định không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này.

Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7.2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Trong khi công tác PCCC tại chung cư, nhà cao tầng chưa được quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhận thấy, công tác kiểm định và chứng nhận an toàn đối với các phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được thực hiện nghiêm túc, với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Cảnh sát PCCC. Do vậy, các vụ cháy đối với phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về PCCC trên cả nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng. Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3 nghìn vụ cháy từ khi phát sinh.

Tuy nhiên, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn tính hình thức, đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thực sự chặt chẽ.

Về công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong hoạt động PCCC, Đoàn giám sát cho biết, từ 2014 - 2018, có 56 nhiệm vụ khoa học và công nghệ về PCCC được thực hiện, trong đó có 9 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước, 18 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ và 29 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ để ứng dụng vào công tác PCCC còn hết sức hạn chế, đa phần các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, chất chữa cháy hiện nay là nhập khẩu từ nước ngoài. Tương tự, xã hội hóa công tác PCCC đã được Chính phủ quan tâm, một số địa phương chủ động ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư và huy động mọi nguồn lực cho công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, nhưng theo Đoàn giám sát, hiệu quả của công tác xã hội hóa chưa cao.

Trên cơ sở kết quả giám sát, những dự báo về tình hình cháy, nổ trong thời gian tới và đặc biệt là qua những hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát đề nghị, QH ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát; gắn yêu cầu bảo đảm công tác PCCC trong hoạt động thẩm tra, xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đối với Chính phủ, Đoàn giám sát đề nghị, cần nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại. Chỉ đạo rà soát, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PCCC; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan đến PCCC. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị; chỉ đạo bố trí ngân sách PCCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa PCCC; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế về PCCC; có chính sách phù hợp khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở PCCC, tham gia hoạt động PCCC.

Phải lấy “phòng” là chính

Theo Báo cáo kết quả giám sát, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng PCCC, trong đó tập trung xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ mà lực lượng dân phòng giữ vai trò nòng cốt tại địa bàn dân cư theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở còn thấp so với quy định (đội dân phòng đạt tỷ lệ 23%; đội PCCC cơ sở đạt tỷ lệ 66%; đội PCCC chuyên ngành đạt tỷ lệ 63%). Các đơn vị Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ chưa được bố trí đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ, bán kính hoạt động xa, số lượng cơ sở lớn so với quy định đã hạn chế hiệu quả hoạt động.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới phương án chữa cháy, tổ chức thực tập xử lý tình huống cháy, nổ lớn. Tuy nhiên, từ năm 2014 – 2018, trong khi  lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy), lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3 nghìn vụ cháy từ khi phát sinh. Việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn tính hình thức, đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Trong công tác PCCC, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận thấy, cần lấy phòng là chính, phải quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cũng như triển khai nghiêm túc quy định xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ được Luật PCCC quy định. Bởi như số liệu được Đoàn giám sát cung cấp, số vụ việc do lực lượng tại chỗ tự dập tắt chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ chiếm trên 20% tổng số vụ cháy nổ được xử lý. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần tập trung đánh giá nguyên nhân của tình trạng hiệu quả PCCC của lực lượng tại chỗ chưa cao, qua đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Để phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để PCCC cho người dân – một lực lượng tại chỗ quan trọng để PCCC. Đưa ra ví dụ về một số vụ cháy rừng, cháy chung cư do bất cẩn của một cá nhân, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, cần chú ý phân loại đối tượng để có thể tập trung tuyên truyền nhiều hơn cho những đối tượng có nguy cơ cao, vừa giúp tiết kiệm kinh phí, vừa thiết thực hơn cho công tác tuyên truyền.

Một số Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị, cần quan tâm xác định, triển khai các biện pháp kỹ thuật để góp phần phòng ngừa cháy nổ, hạn chế thiệt hại khi xảy ra cháy nổ. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đưa ra kinh nghiệm xây dựng đường băng cản lửa ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, cũng như một số quốc gia lân cận. “Việc không có đường băng cản lửa là nguyên nhân quan trọng làm xảy ra tình trạng cháy rừng xảy ra ngày này qua ngày khác ở một số địa phương. Do vậy, Báo cáo kết quả giám sát cần bổ sung những đề xuất cụ thể về giải pháp kỹ thuật cần áp dụng ngay”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề xuất.

Phương Thủy