Minh bạch hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp:

Cần có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm

- Thứ Tư, 12/08/2020, 12:12 - Chia sẻ
Nửa đầu năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng 48% so với cùng kỳ 2019. Theo TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU – chuyên gia kinh tế, thành viên thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần An Bình, phát triển thị trường TPDN là cần thiết, từ đó giảm gánh nặng tài chính cho ngân hàng. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, trong khi đó tính minh bạch của tổ chức phát hành vẫn còn thiếu công cụ xác định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu - (Nguồn: ITN)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu  Nguồn: ITN

Tăng mạnh nhưng nhiều rủi ro

- Tổng giá trị trái phiếu được huy động trong 6 tháng đầu năm đạt trên 174 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

- Việc tăng phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua có 2 nguyên nhân chủ yếu. Trước hết, có rất nhiều các ngân hàng đang thắt chặt lệnh tín dụng. Bởi vì dịch bệnh Covid -19 tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nên các ngân hàng rất lo ngại về vấn đề nợ xấu. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng mới ở mức 3,45%, rất thấp so với cùng kỳ. Với tình trạng này, có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Mặt khác, người có tiền lại rất “mặn mà” với trái phiếu, bởi vì trái phiếu trả một lãi suất cao trong khi tiền gửi ngân hàng lãi suất càng ngày càng thấp, dẫn đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất sôi động. Dù giá trị trái phiếu tăng cao so với cùng kỳ, tuy nhiên mặt trái của việc tăng này là rủi ro cũng gia tăng đối với các nhà đầu tư trái phiếu, hay còn gọi là trái chủ.

- Ông có thể phân tích về vấn đề rủi ro này?

- Rủi ro tăng là do nhiều trái phiếu được phát hành riêng lẻ chứ không qua thị trường chứng khoán, không qua sự kiểm duyệt, kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chính vì thế có nhiều trái phiếu, những cơ sở thông tin đi cùng trái phiếu của nhà phát hành không được cung cấp cho trái chủ, mà rất nhiều người mua trái phiếu là vì lãi suất cao, mà thường những trái phiếu được các ngân hàng hỗ trợ phát hành. Vì những nhà phát hành trái phiếu là những doanh nghiệp không thạo phát hành trái phiếu, nên phải thông qua các ngân hàng. Rất nhiều người khi thấy ngân hàng hỗ trợ trong phát hành trái phiếu, họ tin rằng đó là những trái phiếu tốt, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao, rất hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong trường hợp này rủi ro đang tăng cao, một khi việc phát hành trái phiếu mất khả năng trả nợ thì vấn đề đòi tiền rất khó. Các ngân hàng cho vay khi các khách hàng của họ không có khả năng trả nợ, nhưng họ có cả một bộ phận đi đòi nợ. Còn đối với mua trái phiếu, đặc biệt là những nhà đầu tư riêng lẻ thì khả năng đi đòi nợ nhà phát hành trái phiếu rất hạn chế.

Trong lúc này trái phiếu tăng trưởng mạnh là một tín hiệu tốt, giảm gánh nặng tài chính cho ngân hàng. Tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng Covid- 19 trở lại lần thứ 2 tại nước ta, tác động đến khả năng kinh doanh, khả năng trả nợ của rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

- Có hay không việc các doanh nghiệp đang tận dụng khoảng thời gian trước khi Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 về phát hành TPDN có hiệu lực vào 1.9 để đẩy mạnh phát hành trái phiếu, thưa ông? Và Nghị định mới sẽ tác động như như thế nào đối với thị trường TPDN?

Nghị định số 81 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163 theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức cho nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh đó yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu. Một số quy định đáng chú ý là mức dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng.

Với những quy định mới này, chỉ có những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu riêng lẻ, cũng không thể phát hành đại chúng được. Trước thời điểm 1.9, nhiều nhà phát hành đã tận dụng thời gian trước khi quy định có hiệu lực để phát hành trái phiếu, thì đây cũng là một trong những lý do đẩy mạnh trái phiếu ra thị trường.

Nghị định có hiệu lực sẽ siết lại vấn đề phát hành trái phiếu, giảm rủi ro cho thị trường này. Đây là một điều tốt, hướng tới lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, bởi các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngày càng nhiều, trong khi đó tính minh bạch của tổ chức phát hành trái phiếu vẫn còn thiếu công cụ xác định. Tuy nhiên, những giải pháp mà Nghị định 81 đưa ra vẫn chưa đủ để thị trường TPDN phát triển lành mạnh và bền vững.

6 tháng đầu năm 2020, khối lượng TPDN phát hành của 137 doanh nghiệp đạt 174.237 tỷ đồng
6 tháng đầu năm 2020, khối lượng TPDN phát hành đạt 174.237 tỷ đồng - (Nguồn: ITN)

Trái phiếu nên thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

- Vậy theo ông, thời gian tới có cần bổ sung thêm nhiều giải pháp cho thị trường trái phiếu hay không?

- Còn rất nhiều bước cần phải bổ sung để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu. Vấn đề đầu tiên là phải có công ty xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp phát hành. Tôi lấy ví dụ như ở Mỹ, có tới hàng trăm doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, nên thị trường chứng khoán ở nước này rất bảo đảm ở chỗ những nhà phát hành được xếp hạng tín nhiệm. Và nhà đầu tư xem việc xếp hạng tín nhiệm đó như là điểm khởi đầu để đi đến quyêt định đầu tư. Còn ở Việt Nam chưa có xếp hạng tín nhiệm, các công ty xếp hạng tín nhiệm tầm cỡ quốc gia, đây là một thiếu sót rất lớn mà đáng lý ra phải làm cả chục năm nay rồi.

Bên cạnh đó, tất cả trái phiếu trong tương lai nên phải thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để họ kiểm soát được nhà phát hành không đủ khả năng phát hành trái phiếu. Tất cả báo cáo tài chính phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra và xét duyệt rồi mới cho phát hành để bảo đảm những nhà phát hành trái phiếu có khả năng trả nợ. Tại thời điểm hiện tại, các nhà phát hành trái phiếu riêng lẻ không bắt buộc phải thông qua Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước và nhiều nhà phát hành không có báo cáo chuẩn mực, lại không được kiểm toán độc lập, tạo ra sự rủi ro lớn.

- Ông có khuyến nghị gì đối với các nhà đầu tư trái phiếu?

- Các doanh nghiệp hiện tại đang sử dụng thị trường trái phiếu để huy động vốn, như vậy phải rất cẩn thận, phải tìm hiểu ai là người phát hành, tình hình tài chính của họ ra sao, phải xem báo cáo tài chính của họ để có thể thẩm định được khả năng chờ đợi chứ không phải chỉ nhìn vào lãi suất. Các nhà đầu tư nên tìm đến trái phiếu có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng, ngân hàng sẽ thay mặt để thanh toán cho nhà đầu tư, cho trái chủ chứ không phải ngân hàng hỗ trợ phát hành. Khi ngân hàng đứng ra bảo lãnh thì đó là những trái phiếu được xem là an toàn.

- Xin cảm ơn ông!

Trong 6 tháng đầu năm 2020, khối lượng TPDN phát hành của 137 doanh nghiệp đạt 174.237 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Tận dụng được việc lãi suất cho vay và lãi suất huy động được điều chỉnh giảm, lãi suất TPDN phát hành trong quý II.2020 thấp hơn đáng kể so với quý I.

Với nhóm ngân hàng, hoạt động phát hành TPDN không quá sôi động, chỉ trong 3 tháng gần nhất, có 11 ngân hàng tham gia phát hành khối lượng TPDN lên đến 46.407 tỷ đồng. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm nay, lượng trái phiếu mà các ngân hàng huy động đạt 47.348 tỷ đồng, chiếm 27% tổng lượng phát hành.

 

Thảo Anh