Cần chính sách thích hợp nhằm khuyến khích quản lý dịch hại tổng hợp

- Thứ Sáu, 19/10/2018, 18:41 - Chia sẻ
Hiện nay trên thế giới xu hướng chính trong ngành BVTV là khuyến khích quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), trong đó phải bao gồm việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm và an toàn. Để làm được việc này, tất cả các bộ phận liên quan phải được tập huấn, được cung cấp các giải pháp BVTV chất lượng cao, được điều chỉnh bởi một hành lang pháp lý và chính sách thích hợp nhằm khuyến khích áp dụng mô hình IPM, đảm bảo các thuốc BVTV mới được đăng ký, lưu hành.

Để làm việc này, nhiều diễn đàn hợp tác quốc tế, hợp tác công tư tại nước ta đã được mở ra để tạo ra những kênh đối thoại chính sách và thảo luận,  xây dựng bộ quy tắc thực hành canh tác tốt trên một số cây trồng có giá trị xuất khẩu lớn như chè, cà phê, tiêu và triển khai tập huấn đào tạo giáo viên, tập huấn nông dân và phát triển các mô hình canh tác mẫu.

Chúng tôi đã phối hợp Cục BVTV, Bộ NN - PTNT và các chi Cục BVTV tại các địa phương tham gia vào chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường, tham gia hàng loạt chương trình tập huấn sử dụng các sản phẩm thuốc  BVTV an toàn hiệu quả trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau trong nhiều năm qua. Trong đó bao gồm các chương trình đào tạo nông dân về sử dụng, bảo quản, vận chuyển và tiêu huỷ bao bì các sản phẩm thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn được ghi trên bao bì, cách thức nhận biết sản phẩm chính hãng trước khi mua cũng như phương thức, tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân.

Một dự án đáng kể trong việc khuyến khích nông dân thực hiện IPM trong canh tác lúa gạo “Sáng kiến lúa gạo Châu Á cải tiến hơn” - Better Rice Initiative Asia (BRIA) được triển khai trong giai đoạn 2015 - 2017 đã đào tạo cho nông dân và đại lý tại 3 tỉnh (Hậu Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang) về việc sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV hoá học và sinh học có trách nhiệm cũng như phương thức IPM để giải quyết nạn bùng phát rầy trên lúa. Đồng chủ trì dự án này bao gồm Cục BVTV, CropLife, Trung tâm BVTV khu vực phía Nam và tổ chức GIZ... cùng sự tham gia nhiều đối tác khác. Sau khi triển khai, dự án này đã tiếp cận và đào tạo được khoảng 17.000 nông dân và 1.000 đại lý. Thêm vào đó, thông qua thực hành mô hình IPM, dự án này cũng giúp kiểm soát và hạn chế đáng kể sự bùng phát dịch rầy trên lúa đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân lên khoảng 14% - 18%.


Bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc Quản trị bền vững Công ty Syngenta Việt Nam; Trưởng nhóm Truyền thông CropLife Việt Nam
Song song với các chương trình đào tạo, tập huấn nông dân nêu trên, CropLife tiếp tục đầu tư và phát triển các giải pháp một cách thống nhất và áp dụng công nghệ mới trong ngành nông nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả của việc sử dụng thuốc BVTV; hỗ trợ nâng cao năng lực của các bên liên quan trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững ở Việt Nam bằng các chương trình hợp tác song phương, huấn luyện và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý thuốc BVTV tại các nước phát triển và trong khu vực. Tháo gỡ rào cản trong xuất khẩu nông sản từ Việt Nam thông qua xúc tiến việc thiết lập mức dư lượng tối đa cho phép đối với các loại thuốc BVTV trên các đối tượng cây trồng (đặc biệt là các cây trồng nhiệt đới) chưa có giá trị, mức dư lượng tối đa cho phép tại các nước nhập khẩu.

Đặc biệt, đồng hành cùng Bộ NN - PTNT cũng như các cơ quan chức năng, CropLife Việt Nam chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm loại bỏ và hạn chế việc sử dụng một số loại thuốc đã lỗi thời, hiệu lực kém và chuẩn an toàn thấp và coi đây là một trong các giải pháp phù hợp trong tình hình hiện tại nhằm tinh giảm lại danh mục các loại thuốc BVTV đang lưu hành hiện nay và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước. Trong 2 năm qua các công ty thành viên của Croplife đã chủ động rút đăng ký của trên 100 các sản phẩm thuốc BVTV ra khỏi danh mục thuốc BVTV tại Việt Nam. Bên cạnh đó các công ty thành viên của chúng tôi là những công ty hàng đầu về nghiên cứu và phát triển các giải pháp BVTV cũng đã đang và sẽ là những nhà tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp BVTV tiên tiên thế hệ mới trong đó sẽ có những giải pháp BVTV sinh học trong kiểm soát tuyến trùng, xử lý hạt giống…

Như trên đã đề cập, chúng tôi ủng hộ và mong muốn mọi quyết định pháp lý liên quan tới đăng ký hoặc loại bỏ thuốc BVTV cần được thực hiện với một lộ trình rõ ràng, được tham vấn rộng rãi và công khai với các bên liên quan, và quan trọng nhất là cần dựa trên các bằng chứng khoa học, theo tiêu chuẩn quốc tế được công nhận. Kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, việc  hạn chế hoặc cấm sử dụng thuốc BVTV không dựa trên cơ sở khoa học khiến nông dân mất đi công cụ quan trọng để bảo vệ cây trồng, giảm năng suất và thu nhập nông hộ. Đứng trên quan điểm của các đơn vị phát triển sản phẩm, việc cắt giảm không phù hợp sẽ hạn chế hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới cũng như giảm bớt các cơ hội đầu tư và giới thiệu giải pháp tiên tiến từ các tập đoàn phát triển công nghệ trên thế giới tới nông dân. 

Ngoài ra, chúng tôi cho tiếp tục đào tạo, tập huấn nông dân sử dụng có trách nhiệm thuốc BVTV là vấn đề chính cần giải quyết để đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất để giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc BVTV tại Việt Nam hiện nay.

Bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc Quản trị bền vững Công ty Syngenta Việt Nam; Trưởng nhóm Truyền thông CropLife Việt Nam
Lê Thủy lược ghi