Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Cần chặt chẽ, rõ ràng

- Thứ Ba, 12/03/2019, 08:11 - Chia sẻ
Khẳng định việc xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp là vấn đề có ý nghĩa chiến lược cần thực hiện ngay từ thời bình, góp phần củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, song thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) chiều 11.3, nhiều ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu quy định về tổ chức, mở rộng lực lượng dân quân tự vệ cho phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này, bảo đảm hiệu quả hoạt động, tránh tăng biên chế và kinh phí. Nhiều quy định cũng cần rà soát, nghiên cứu, làm rõ thêm để bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng của luật.

Tránh xu hướng “chính quy hóa” dân quân tự vệ

Nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Điều 16 dự thảo Luật quy định về tổ chức, mở rộng lực lượng dân quân tự vệ. Theo đó, tổ chức đơn vị dân quân tự vệ gồm: Tổ, tiểu đội, khẩu đội; trung đội; đại đội, hải đội; tiểu đoàn, hải đoàn. Dự thảo Luật cũng quy định việc mở rộng lực lượng dân quân tự vệ trong các trường hợp: thực hiện lệnh động viên cục bộ, tổng động viên theo quy định của pháp luật; khi ban bố tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng nghiêm trọng đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tổ chức biên chế từng thành phần đơn vị dân quân tự vệ; nội dung, kế hoạch, biện pháp, thẩm quyền quyết định mở rộng lực lượng dân quân tự vệ.

Thảo luận tại Phiên họp của UBTVQH, các ý kiến đều tán thành với việc cần sửa đổi Luật để nâng cao chất lượng, hiệu qủa hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu về tổ chức của dân quân tự vệ để tránh xu hướng “chính quy hóa” lực lượng này. Đồng thời, cần quy định cụ thể về điều kiện thành lập các đơn vị dân quân tự vệ ngay trong Luật để thực hiện thống nhất.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển có cảm giác dự thảo Luật lần này nâng cấp hơn so với luật trước ở điểm chúng ta muốn chính quy hóa lực lượng dân quân tự vệ. Thực tế tổng kết các cuộc chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang chính quy là nòng cốt, nhưng lực lượng dân quân tự vệ cũng rất quan trọng. Lực lượng này đã tham gia vào các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có hiệu quả rất cao, nhưng nếu sửa đổi Luật lần này lại đi theo xu thế chính quy hóa lực lượng dân quân tự vệ thì lại đáng ngại. Bởi theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, nếu không cẩn thận, khi có tình huống xảy ra người dân sẽ cho rằng để cho lực lượng chính quy, những người được hưởng lương ra tham gia chiến đấu, đến lúc cần huy động một lực lượng tổng lực là rất khó khăn.

Cũng theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, việc tăng thêm ngân sách hay một số vấn đề liên quan để củng cố lực lượng dân quân tự vệ không phải là vấn đề lớn, điều quan trọng nhất là khi cần thiết chúng ta huy động sức mạnh toàn dân như thế nào. Chúng ta đi theo hướng lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, dân quân tự vệ chính quy hóa như vậy hoàn toàn không phù hợp với tinh thần chiến tranh nhân dân.

Dẫn lại Điều 66, Hiến pháp 2013, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Căn cứ theo quy định này của Hiến pháp thì không có nghĩa là chính quy hóa lực lượng này, ngay tên gọi cũng cho thấy không phải lực lượng chính quy. Do đó, dự thảo Luật cần quán triệt, cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị, phải rà soát việc tổ chức mở rộng lực lượng dân quân tự vệ để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý và rõ ràng hơn. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ, nơi nào cần thiết phải có lực lượng dân quân tự vệ, quy mô ra sao, mô hình như thế nào. Cùng với đó, cần phân tích, đánh giá thêm về quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp để bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

Bảo đảm để “chỉ huy được thật”

Một trong những nội dung của dự thảo Luật được tập trung thảo luận tại Phiên họp là quy định về Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng. Theo quy định dự thảo Luật, Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã. Trong đó, thành phần gồm Chỉ huy trưởng là công chức cấp xã; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh thì Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm.

Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng đặt vấn đề, theo quy định hiện hành, khi có tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hoặc tình trạng chiến tranh thì người chỉ huy là người của quân đội nhân dân. Hiện nay, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức cấp xã, trong khi lực lượng nòng cốt phối hợp là công an nhân dân đã có sĩ quan chính quy đảm nhận nhiệm vụ. Do đó, cần làm sao để bảo đảm khi có “cơ sự” xảy ra, người chỉ huy thực chất là bộ đội. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng đề nghị cần thảo luận, nghiên cứu thêm, nên đặt vị trí Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thế nào, cấp nào để bảo đảm “chỉ huy được thật” khi xảy ra tình huống theo quy định.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ phân tích, theo nghị quyết của Bộ Chính trị và thực tiễn từ trước tới nay, trong các cuộc chiến tranh đã xảy ra, cơ quan quân sự luôn là cơ quan tham mưu và chủ trì trong hiệp đồng tác chiến. Đây là việc cần chuẩn bị từ thời bình, không phải khi chiến tranh xảy ra mới đưa người về làm chính quy. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đặt câu hỏi: Công an xã là sĩ quan chính quy, xã đội trưởng chỉ là công chức cấp xã mà phổ biến kế hoạch, phương án tác chiến, xây dựng khu vực phòng thủ thì như thế nào, có đúng với vai trò, vị trí vẫn làm từ trước tới nay không?

Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn, quy định chỉ huy lực lượng này là công chức xã, khi tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh thì Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân đảm nhiệm nhưng không có điều nào đề cập đến “số phận pháp lý” của công chức xã phụ trách lúc đó thế nào? Dự thảo Luật quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ chỉ huy đơn vị này, nhưng khi tình trạng xảy ra thì “anh” này đứng ở đâu, làm gì, mối quan hệ như thế nào chưa được thể hiện rõ. Cần nghiên cứu thêm vấn đề này. Luật cần chặt chẽ, rõ ràng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Hà An