Cần cải tạo các tuyến, luồng chính cho giao thông đường thủy nội địa

- Thứ Hai, 11/05/2020, 10:57 - Chia sẻ
Khẳng định với 3.551 con sông, kênh chảy ra biển thông qua 124 cửa sông, với tổng chiều dài 80.577 km, trong đó có khoảng 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải thường xuyên; 3.260 km ven biển, gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên diện tích hơn một triệu km vuông mặt biển với hàng nghìn km đường từ đất liền ra đảo, nối các đảo, ngay bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đây là quà tặng thiên nhiên ưu đãi, trong đó có ngành giao thông. Vì vậy, để phát huy hiệu quả điều kiện thiên nhiên ưu đãi, bây giờ chúng ta chỉ cần đầu tư cải tạo các tuyến, luồng…thì giao thông đường thủy nội địa sẽ phát huy hiệu quả và chiếm ưu thế vượt trội.

Đại biểu Quốc hội Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ảnh Khánh Chi)

Đại biểu Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho biết, để phát huy thế mạnh của hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đa dạng hóa các loại hình vận tải, giảm tải cho vận tải đường bộ, đến nay 19.257km đường thủy nội địa đã được đưa vào khai thác, quản lý, đảm nhiệm vận chuyển khoảng 21% tổng khối lượng vận tải toàn quốc và tiến tới đạt 32,38% và năm 2020. Công tác quy hoạch, xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đã được tiến hành với nhiều tuyến đường thủy nội địa mới đã được công bố đưa vào khai thác, quản lý. Đặc biệt, việc đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển, tuyến vận tải qua biên giới Việt Nam – Campuchia đã gắn kết mạng lưới giao thông địa phương với mạng giao thông vận tải quốc gia và quốc tế để chủ động hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, qua các cuộc giám sát Đại biểu Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho rằng, công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy hiện vẫn gặp nhiều khó khăn như tình trạng vi phạm, lấn chiếm kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ vẫn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là tình trạng lắp dựng các đáy cá trong phạm vi luồng tàu chạy. Cùng với đó là hệ thống các công trình vượt sông đã được xây dựng khá lâu, không đảm bảo tĩnh không, khẩu độ theo đúng quy định đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác vận tải. Bên cạnh đó là nhiều luồng, tuyến bị bồi lắng, hệ thống báo hiệu chưa được lắp đặt đầy đủ,… làm ảnh hưởng đến lưu thông của tàu, thuyền.

Phương tiện thủy nội địa đang lưu thông trên sông (Ảnh Khánh Chi)

Để khắc phục được những bất cập trên, đồng thời phát huy hiệu quả của giao thông thủy nội địa, Đại biểu Quốc hội Lê Hồng Tịnh khẳng định, việc làm đầu tiên là cần  tăng cường đầu tư, nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, cần triển khai công tác khảo sát, xây dựng và điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc cho phù hợp, chú ý đầu tư phát triển giao thông vận tải ven biển; ưu tiên bố trí ngân sách một cách hợp lý để đầu tư nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; Tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến, luồng chính, có mật độ phương tiện thủy cao để nâng cao hoạt động vận tải của các phương tiện thủy; tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có kết hợp với cải tạo để khai thác các cảng, bến thủy đạt hiệu quả. 

“Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo đảm an toàn giao thông trên đường thủy nội địa thì công tác phân cấp quản lý, đảm bảo tính tổng thế và tránh chồng chéo trên cùng một tuyến sông có nhiều cơ quan quản lý cũng cần được triển khai…”, Đại biểu Quốc hội Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai).

Khánh Chi