Bảo đảm an toàn cho trẻ em gái nơi công cộng

Cần bộ giáo trình dạy kỹ năng sống

- Thứ Hai, 08/10/2018, 07:22 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn Trẻ em gái năm 2018 sáng 7.10, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, bảo vệ các em tốt nhất là từ gia đình. Do đó, các bộ, ngành cần xây dựng các giáo trình dạy kỹ năng sống cho trẻ em và cho cả phụ huynh. Bản thân cha mẹ phải có kiến thức mới mong giúp con bảo vệ bản thân.

Rủi ro cả không gian thực lẫn ảo

“Cứ đến các dịp Tết, lễ hội cổ truyền, trẻ em gái tại các bản làng vùng cao khi lên nương rẫy, ra chợ, đi học... lại nơm nớp nỗi lo bị bắt về làm vợ một người không có cảm tình trong cuộc sống thường ngày hoặc thậm chí không quen biết. Trong ba ngày, nếu không trốn được khỏi nơi bị bắt về, bạn gái này coi như đã là “ma” nhà chồng, bỏ trốn được thì coi như đã “qua một đời chồng”- các em gái dân tộc thiểu số trong nhóm “Hoa bản” chia sẻ tại Diễn đàn Trẻ em gái năm 2018, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nhóm Thành phố An toàn trình bày những rủi ro và nguy cơ của trẻ em gái ở nơi công cộng
Ảnh: Anh Tuấn

Nhóm Thành phố An toàn trình bày thực trạng mất an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng bằng hoạt cảnh, một bạn nữ sinh hàng ngày trên đường đến trường thường xuyên bị các bạn nam trêu ghẹo, rủ rê... khiến em luôn trong tâm lý hoang mang, lo sợ. Hay với một hoạt cảnh khác là hình ảnh đôi bạn mới quen, thế nhưng bạn nam đã chụp ảnh bạn nữ, đăng tải lên mạng xã hội, để rồi bạn nữ chịu tổn thương tâm lý nặng nề khi nhận được nhiều lời mỉa mai...

Bằng những câu chuyện đang diễn ra hàng ngày, các đại biểu trẻ em đến từ mọi miền Tổ quốc đã phản ánh chân thực thực trạng mà hàng triệu trẻ em gái Việt Nam đang phải đối mặt ở nơi công cộng, trên đường đến trường và trong cả quá trình phát triển. Trần Thị Ngọc, Trường THCS Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) khẳng định, ở nơi công cộng, bao gồm cả không gian thực lẫn ảo, trẻ em gái đều có thể gặp nhiều nguy cơ và rủi ro. Vì vậy, các em đề xuất cần xây dựng không gian, công trình vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em gái; tăng cường sự an toàn bằng cách lắp đặt thêm camera giám sát tại các điểm vui chơi, giải trí; lắp thêm đèn chiếu sáng; in thông tin, số điện thoại của các đơn vị hỗ trợ trên bìa vở; xây dựng thêm nhiều diễn đàn để trẻ em gái có thể bày tỏ tiếng nói, nguyện vọng của mình...

Dạy con tự bảo vệ

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm an toàn cho trẻ em gái ở nơi công cộng, điều tiên quyết là giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ, biết cách lên tiếng và dám lên tiếng cho các em. Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), những người bảo vệ các em tốt nhất chính là gia đình. Do đó, các bộ, ngành cần xây dựng các giáo trình dạy kỹ năng sống cho trẻ em và cho cả cha mẹ. “Đặc biệt với các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi chưa thành niên, dễ bị quấy rối, xâm hại tình dục, tài liệu này sẽ vô cùng hữu ích, bởi lẽ bản thân cha mẹ phải có kiến thức mới mong giúp con bảo vệ bản thân mình” - ông Đặng Hoa Nam nói.

Xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ em gái cũng một trong những giải pháp. Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương cho biết, trong nhiệm kỳ này, Hội đồng Đội Trung ương đặt chỉ tiêu xây mới ở mỗi xã, phường, thị trấn một điểm vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. “Thiết chế văn hóa, điểm vui chơi cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa hết sức quan trọng. Chúng ta cần đầu tư nguồn lực để phục vụ tốt hơn cho các em” - ông Nguyễn Ngọc Lương đề xuất.

Liên quan đến trẻ em gái khuyết tật, ông Lương Văn Cừ, Chủ tịch Hội Bảo vệ người khuyết tật Việt Nam khẳng định, trẻ em gái khuyết tật sẽ khó khăn hơn rất nhiều các trẻ em gái khác. Do đó, cần sự quan tâm của gia đình, xã hội, trong đó có cả những người bạn cùng trang lứa để trẻ em gái khuyết tật có một môi trường an toàn. “Theo đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng để trẻ em, đặc biệt trẻ em gái được hưởng đầy đủ quyền của mình” -  ông Lương Văn Cừ nhấn mạnh.

Khải Minh