Căn bếp xưa của mẹ

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 09:28 - Chia sẻ
Hôm tôi đem chiếc tráp về nhà, mở ra lau dọn lại, vẫn thấy trong lòng tráp còn sót nắm lông gà khô buộc nguyên chiếc dây chun đen mẹ cắt ra từ những chiếc săm Sao vàng hỏng. Lòng bỗng nghẹn thắt...

Mẹ tôi đi xa vào năm chuyển giao thế kỷ, năm 2000. Sau đám hiếu ít hôm, cậu con trai duy nhất trong nhà bèn gọi mời các chị gái sang nhà ngoại. Mắt rơm rớm, giọng chậm rãi, cậu nói với các chị là ai muốn cất giữ kỷ vật gì của mẹ thì chia nhau mang về. Các chị em tôi lẳng lặng ngắm nghía rồi chọn lựa mỗi người một đôi món. Còn đâu, giao hết cho tôi. Hàng chục bộ áo dài lụa gấm, chiếc dây chuyền vàng ta mặt chữ thọ, chiếc tráp trầu khảm trai, cái ống nhổ bằng đồng… Và hầu hết những món đồ làm bếp đã gắn bó với mẹ tôi dường như suốt cả một cuộc đời dằng dặc hơn nửa thế kỷ.  Từ hồi bà còn là cô con gái làng nghề đúc đồng Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch, cho đến khi làm vợ một anh phụ xe đường Hà Nội - Sơn Tây là cha tôi. Rồi cha tôi gây dựng nên một hãng xe vận tải nhỏ chạy đường Hà Nội - Thái Hà Tuyên khá là phát đạt. Mẹ tôi buôn bán ở chợ Đồng Xuân cũng khá hanh thông. Năm 1960, sau cải tạo tư sản tư doanh,  Cha vào làm nhân viên công ty hợp doanh vận tải hàng hóa,  Mẹ ở nhà cùng các chú tôi mở cửa hàng sửa chữa và buôn bán phụ tùng xe đạp xe thồ làm kế sinh nhai nuôi đàn con nhỏ.   

Này là cái mâm đồng sáng rực màu vàng thau, như hãy còn mới. Bởi vì nó chỉ được đem ra dùng vào lúc nhà có cỗ bàn, tết nhất. Ngày xưa nhà nào mà có chiếc mâm đồng là quý lắm chứ đâu phải chuyện thường. Có dễ chiếc mâm đồng là của hồi môn của ông bà ngoại dành cho mẹ chăng? Mỗi kỳ giáp Tết Nguyên đán, mẹ thường nhờ cha tôi bắc thang lấy chiếc mâm đồng từ gác xép đem xuống sân sau cho chị em tôi đánh bóng bằng mấy nắm cát sông Hồng với mẻ chua, đánh cùng với bộ đỉnh đồng chân nến vừa hạ xuống từ ban thờ gia tiên.

Nguồn: ITN

Này là chiếc nồi nhôm đúc thổi cơm dày chình chịch, đáy nồi đen sì đen sẫm. Những năm Nhà nước cấm hành nghề đúc đồng, làng Ngũ Xã chuyển sang đúc nhôm. Mẹ trở về làng đặt đúc chiếc nồi cỡ đại để có thể nấu ăn cho cả đại gia đình trên chục người. Chiếc nồi chỉ bê không cũng đã phải gò lưng, chưa kể đến những khi nó chứa đầy gạo nước. Nhưng chiếc nồi ấy thổi cơm bếp than quả bàng hay bếp mùn cưa đều rất ngon. Cơm chín nục chín nà, vừa xuê vừa dẻo. Vầng cháy vàng xém, thơm nức. Mỗi bữa chị em tôi đều chí chóe tranh nhau cạy cháy chấm muối vừng hay chấm nước kho thịt kho cá. Nhất là vớ được miếng cháy bẹn nồi dở non dở già thì ngọt ứa nước miếng chân răng

Này là cái mâm nhôm đã vênh vành, bởi chị em tôi dọn cơm thường ngày có nhiều khi đánh rơi đánh tuột. Trên mâm có nhiều vết ố do mắm muối tương cà rớt ra rửa không hết. Vì ngày xưa rửa bát chỉ bằng nước gạo và nước đun nóng, chứ chưa có nước rửa bát chuyên dụng như hiện giờ. Nhưng quanh chiếc mâm nhôm cũ kỹ ấy, là bao bữa cơm xum vầy ấm áp bà cháu, bố mẹ, chị em. Cho dù khi chị em tôi lớn lên là vào đúng thời kỳ bao cấp chiến tranh, thức ăn thường ngày chả có gì cao sang ngoài lạc rang, cá mắm rau dưa đậu đỗ tôm nhộng. Thi thoảng lắm mới có bữa tươi thịt trứng, bò gà. 

Này là mấy chiếc đĩa đàn khấp khểnh, lem nhem, dấu vết của thời khó khăn, khi mà làng Bát Tràng không còn được phép chế tác gốm sứ cao cấp mà chỉ được sản xuất những mặt hàng dân dụng thô mộc rẻ tiền cho toàn quân, toàn dân miền Bắc sử dụng. Hàng đàn là loại hàng gốm rẻ tiền. Đất và men làm hàng đàn không được chọn lọc kỹ. In hoa qua loa hàng loạt gọi là có. Khi nung hàng đàn, người thợ gốm xếp chồng chúng lên nhau rồi cho chung hàng chục chiếc vào cùng một hộp bao nung. Bởi vậy, ở giữa đáy bát hoặc đáy đĩa thường có một vòng cốt đất không được tráng men lộ ra. Hàng sứ là các sản phẩm được làm từ đất và men hạng tốt, lọc kỹ, vẽ hoa tráng men cẩn thận suốt bề mặt trong ngoài. Khi nung hàng sứ, mỗi sản phẩm được xếp một bao nung riêng, rất tốn chỗ trong lò. Bởi vậy chất lượng hàng sứ cao hơn hàng đàn rất nhiều. Ngày trước, Hà Nội có phố Bát Đàn bán hàng cho người bình dân và phố Bát Sứ bán hàng cho người giàu sang là như vậy đó. 

Khi ấy, hàng gốm sứ chính phẩm Hải Dương chỉ phân phối cho các cơ quan nhà nước. Còn hàng thứ phẩm Hải Dương để phân phối cho các đám cưới dân sự và một phần tuồn cho người nhà, người quen các mậu dịch viên. Hàng phế phẩm mới đến tay bình dân. Chậc, thì đĩa ấy bát ấy cũng chỉ đựng tương cà mắm muối, có gì sơn hào hải vị gì đâu mà đòi hỏi cao sang!

Này là mấy chiếc đĩa sứ hoa Tàu trắng muốt, trong vắt nổi hình rồng phượng, cành mai, khóm trúc. Nhà tôi vẫn giữ được một tủ bát đĩa tiên rồng, loan phượng thật đẹp, cùng những bộ đũa sơn son bịt vàng để bày biện dâng cúng khi cỗ bàn tết nhất. Hầu hết chúng là đồ mừng cưới, mừng tân gia của cha mẹ tôi. Một số thì là quà của các đám chơi họ của phụ nữ thời trước. Cha tôi xây riêng một ô tủ bằng gạch trát xi măng đặt cạnh khoảnh sân trời trước gian nhà ngang để cất giữ những bộ bát đĩa quý. Tủ đương nhiên có khóa cẩn thận. Mẹ tôi chăm chút giữ gìn tủ bát đĩa ấy cẩn thận lắm. Mỗi lần có đám giỗ kỵ hay Tết nhất, khi chị em tôi đã rửa sạch hong khô  bát đĩa, mẹ tôi sẽ tự tay đếm lại từng thứ trước khi cho vào tủ khóa lại. Chị em tôi không may đánh sứt đánh vỡ cái nào thì bà kể lể, chì chiết đến hàng tuần, hàng tháng không ngớt. Nhưng đương nhiên tủ bát đĩa quý cũng vơi dần theo thời gian, chả còn lại là mấy. Là bởi vì mỗi dịp chị em tôi đi lấy chồng ra ở riêng, mẹ tôi đều chọn ra mươi chiếc bát đĩa cho đem theo, như là một thứ của hồi môn không thể thiếu vậy. Thảo nào đến lúc dì tôi từ Đức về thăm nhà sau bao năm xa cách, cứ hỏi thăm tủ bát đĩa rồng tiên đâu hết rồi, khiến mợ tôi cứ ngơ ngác mãi. Vì khi mợ về làm dâu thì 9 bà chị chồng đều đã có gia đình riêng từ lâu, mỗi người đều đem theo dăm bảy chiếc bát đĩa quý mẹ tôi sắp sửa cho. Số còn lại thì chúng cũng đã bong men, sứt miệng, bỏ đi từ lâu rồi. 

Tôi còn nhớ, khi tôi đi lấy chồng, cha mẹ cho tôi một chiếc xe đạp Pơ-giô màu cá vàng, một dây chuyền vàng 4 chỉ mặt đá hồng, mươi chiếc bát đĩa đẹp và một chiếc phích nước Rạng Đông 2,5 lít. Tôi vốn rất thích chiếc phích đá Liên Xô, hồi đó là của hiếm, nhưng xin mẹ, mẹ không cho, bắt ra xin cha tôi. Cha tôi cau mặt:

- Có mỗi cái phích đá mà bà cũng bắt hỏi tôi là sao? Cho con nó đi!

- Thì tôi nghĩ thứ gì quý phải hỏi ông chứ! Nhà đông con, tôi tự quyết rồi chị em chúng nó tị nạnh thì làm sao?

Này là chiếc hộp sữa Guy-gô Pháp bằng nhôm méo mó. Thuở tôi và các chị em sinh trước thời cải tạo tư sản vẫn được nuôi bằng thứ sữa chuẩn ngoại nhập ấy. Khác với các em tôi sinh sau đẻ muộn trong thời bao cấp khó khăn thì chỉ có sữa đường đặc Ngôi Sao hay Thống Nhất, hoặc sữa Liên Xô hết hạn vàng quánh. Đục lỗ sữa không chảy, mà phải lấy dao ghè toang ra, rồi lấy thìa múc từng đám. Mẹ tôi thường để dành những chiếc hộp sữa Guy-gô đem rửa sạch, hong khô đặng mà đựng vừng lạc, nụ vối, đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương, đỗ trắng, đỗ đỏ, đường phèn, hồi quế...  Những cái hộp tốt hơn, không méo mó thì mẹ để dành đựng trà ướp sen, trà ướp nhài. Trà ướp để mấy năm mà hương vẫn ngát đượm, vì nắp hộp Guy-gô rất kín khít. Bên ngoài những chiếc hộp ấy, mẹ tôi không hề ghi chữ đánh dấu, nhưng cũng không bao giờ bà bị nhầm lẫn khi lấy đồ ra dùng. Chỉ có những hộp đựng trà sen, trà nhài là được cất riêng trên ngăn tủ chùa khảm trai có khóa đặt ở phòng khách, còn tất cả các hộp khác được cất trong ngăn trên cùng của chạn bát nhà ngang.     

Này là chiếc tráp trầu khảm trai bịt đồng. Mẹ tôi hồi còn sống hay bày chiếc tráp ấy trong ngăn tủ chùa cũng khảm trai, trông thật là long lanh óng ánh. Hằng ngày, mẹ chỉ thường dùng chiếc âu trầu bằng đồng thau xinh nhỏ. Lễ tết, cưới hỏi, mẹ mới trưng ra chiếc tráp trầu khảm trai. Tôi từ thời thiếu nữ đã biết têm trầu cánh phượng, thi thoảng giúp mẹ bày trầu trên ngăn mặt tráp để các thím các mợ trong họ đi xin dâu. Tự mình cũng mê chiếc tráp và những khẩu trầu têm cánh phượng có mấy tua lá xanh cắt răng cưa bay bướm và miếng vỏ quế tỉa mào phượng đỏ chót gài trên cánh hoa hồng. Trong lòng tráp, mẹ hay cất mấy thứ đồ lặt vặt như bộ xà tích bạc có ống vôi quả đào xinh xắn, chùm chìa khóa cũ han gỉ... 

Hôm tôi đem chiếc tráp về nhà, mở ra lau dọn lại, vẫn thấy trong lòng tráp còn sót nắm lông gà khô buộc nguyên chiếc dây chun đen mẹ cắt ra  từ những chiếc săm Sao Vàng hỏng. Lòng bỗng nghẹn thắt. Nước mắt ứa mi. Bó lông gà đã rửa sạch phơi khô là để thi thoảng mẹ  ngâm vào nước gạo đặc mà tẩy bóng bì cho sạch mỡ màng trước khi đem tẩy gừng rượu. Món bóng nấu thập cẩm là món ăn mẹ tôi ưa thích nhất và cũng mẹ cũng nấu nướng kỳ công nhất trong các đám giỗ chạp, tết nhất của gia tộc. 

Về sau này, khi cuộc sống gia đình dù có lúc thăng, lúc trầm, tôi vẫn cứ mê đắm đồ bát đĩa xoong nồi và các dụng cụ làm bếp khác. Đi đâu cũng ngó nghiêng chọn lựa. Nhất là mỗi lần sang chơi chợ gốm Bát Tràng. Nhà bây giờ nếu tự nấu nướng và bày biện mươi lăm mâm cỗ vẫn dư dả đồ dùng. Bát đĩa sứt mẻ là hầu như thay ngay. Con cháu hay người giúp việc lỡ đánh vỡ, đánh hỏng thứ gì, chả bao giờ tôi nặng lời như mẹ năm xưa. Nghĩ mà thương mẹ thế...

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung