Cảm thức lịch sử - chính trị bền vững

- Thứ Hai, 15/04/2019, 09:52 - Chia sẻ
“Thái độ tôn kính Hùng Vương với tư cách là thủy tổ của dân tộc, theo đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân các thế hệ khiến cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phát triển sâu rộng. Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, khó tín ngưỡng nào có được đặc trưng ấy” - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam GS.TS. NGUYỄN CHÍ BỀN chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân.

“Đến nay, đi qua thời gian, vượt qua các thể chế chính trị, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vận động, biến đổi, trở thành một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng đa nghĩa, đa giá trị. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như sợi chỉ đỏ nối kết quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam”.

GS. TS. Nguyễn Chí Bền

Vượt qua niềm tin tín ngưỡng đơn thuần

- Phong tục thờ các Vua Hùng được coi là sự chắt lọc, kết tinh, thăng hoa theo thời gian của tâm thức hướng về nguồn cội, gắn kết cộng đồng. Từng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông thấy điều này được thể hiện ra sao?

- Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, như một lẽ tự nhiên, người Việt thờ cúng Hùng Vương như một vị thủy tổ của dân tộc. Bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” ở đền Thượng núi Nghĩa Lĩnh thể hiện sâu sắc quan niệm ấy. Trong tâm thức dân gian, trong quan niệm của các vương triều quân chủ trước kia và Nhà nước Việt Nam ngày nay, Hùng Vương là vị thánh tổ, thánh vương, có công lao khởi dựng nhà nước Văn Lang cổ đại. Ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc.

- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển, duy trì đều đặn trong cộng đồng và tiến trình lịch sử. Xin ông cho biết những yếu tố tác động tới tín ngưỡng đặc biệt này?

- Thái độ tôn kính Hùng Vương, với tư cách thủy tổ của dân tộc, theo đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân các thế hệ khiến cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phát triển sâu rộng. Thế kỷ XVII, cuốn sách “Nam Việt thần kỳ hội lục” cho biết có 73 làng thờ cúng Hùng Vương, trong đó 11 làng đã có sắc phong. Năm 1973, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương, nếu chỉ tính từ Việt Trì ngược sông Thao lên Hạ Hòa, ngược sông Đà lên Thanh Thủy, ngược sông Lô lên Đoan Hùng, thì ít nhất có thể đếm được 432 di tích, trong đó có đền miếu thờ vua Hùng là 40 nơi, vợ con các vua Hùng là 77 nơi, thờ Cao Sơn, Tản Viên và các tướng lĩnh là 288 nơi và 87 di tích khác có liên quan đến các sự kiện lịch sử thời các vua Hùng. Như vậy là bên cạnh việc phụng thờ Hùng Vương ở các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh, Hùng Vương còn được người dân các làng quê Phú Thọ trực tiếp thờ cúng.


Nguồn: ITN

Bên cạnh đó, chính tác động của các vương triều trước năm 1945 và của Nhà nước ta hiện nay đã khiến tín ngưỡng này phát triển. Nhà Lê đã cho biên soạn “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” vào năm Nhâm Thìn (1472), ghi chép các thần tích về Hùng Vương. Các vương triều kế tiếp như Lê - Trịnh, Tây Sơn, nhà Nguyễn nhiều lần phong sắc cho các làng xã ở Phú Thọ thờ cúng Thánh tổ Hùng Vương. Trước năm 1945, nhà Nguyễn vẫn duy trì việc giao cho quan lại Phú Thọ về chủ trì nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh. Sau năm 1945, nhà nước Việt Nam rất coi trọng việc duy trì lễ hội đền Hùng và thờ cúng Hùng Vương. Năm đầu tiên của nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ, Phó Chủ tịch Nước Huỳnh Thúc Kháng đã lên đền Hùng dâng lễ tưởng niệm các vua Hùng. Năm 1956, Lễ hội đền Hùng được tổ chức trọng thể. Từ ấy đến nay, nhà nước Việt Nam luôn quan tâm thờ cúng Hùng Vương, từ việc quy hoạch khu di tích đến quy định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương…

Có thể thấy, tưởng niệm lịch sử vượt qua xúc cảm tâm lý, niềm tin tín ngưỡng đơn thuần, trở thành cảm thức lịch sử - chính trị bền vững, thành một nhận thức lý tính đưa vị thủy tổ của dân tộc, trở thành ông Tổ của một quốc gia. Ít nhất, hơn 600 năm trôi qua, Hùng Vương được tín tưởng và thờ cúng trong tư cách như vậy.

Hội tụ - lan tỏa - hội tụ

- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thủy tổ của dân tộc - quốc gia, nhưng lại gắn với một không gian cụ thể, mà trên ranh giới địa lý đương đại là tỉnh Phú Thọ. Quá trình hình thành, lan tỏa ấy chắc hẳn cũng rất đáng chú ý, thưa ông?

- Trên vùng đất Phú Thọ, người Việt cổ đã trải qua nhiều nền văn hóa khác nhau. Vị thế địa - văn hóa, địa - chính trị của tỉnh khiến cho nơi đây xuất hiện những nền văn hóa khảo cổ khác nhau, từ Văn hóa Sơn Vi đến Văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Các nhà khoa học hoàn toàn có lý khi khẳng định: Phú Thọ là vùng đất liên quan đến nhà nước Văn Lang cổ đại, là trung tâm khởi phát của người Việt cổ. Chính nền tảng lịch sử ấy là khởi hình lịch sử cho thời đại Hùng Vương. Và một quá trình huyền thoại hóa xuất hiện. Phú Thọ là địa phương đứng đầu cả nước có kho tàng văn hóa dân gian về thời Hùng Vương.

Từ Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa ra mọi miền đất nước. Có thể thấy, quá trình lan tỏa ấy ở hai đợt sóng khác nhau. Từ vùng đất cội nguồn, tín ngưỡng này lan tỏa ra một số địa phương ở Bắc Bộ. Rồi từ đây, trong hành trang của cư dân mở nước về phương Nam, có tâm lý hướng về nguồn cội. Bởi vậy, các lưu dân Việt trên đất Trung Bộ, rồi Nam Bộ đã xây dựng những đền thờ Hùng Vương, để thực hành tín ngưỡng của mình. Bởi vậy, có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình hội tụ và lan tỏa; lan tỏa và hội tụ, trở thành tín ngưỡng của cả một tộc người, một quốc gia có sức sống mãnh liệt, vượt thời gian.

- Tục thờ phụng Quốc Tổ của người Việt đã trở thành trường hợp độc đáo của văn hóa thế giới, khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012. Sự công nhận ấy nói lên điều gì, thưa ông?

- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một sáng tạo văn hóa của người Việt qua trường kỳ lịch sử, sáng tạo này mang tầm kiệt tác của nhân loại. Trước hết là một kho tàng văn hóa dân gian từ truyền thuyết đến lễ hội, từ ẩm thực đến nghi lễ liên quan đến Hùng Vương được dân gian sáng tạo và lưu truyền. Đây là nơi Hùng Vương dạy dân đi săn, dạy dân cấy  lúa… Đây là trò diễn để công chúa con Hùng Vương vui vẻ về nhà chồng, là nghi lễ rước Hùng Vương về ăn Tết với dân làng...

Thứ hai là một hệ thống đình, đền, miếu được xây dựng để thờ cúng Hùng Vương. Người ta đã thống kê có tới gần 500 nơi thờ cúng Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh của Hùng Vương ở mọi miền đất nước. Không phải nhân vật nào của tín ngưỡng dân gian cũng có một kho tàng di sản văn hóa, cả vật thể lẫn phi vật thể như thế gắn liền. Nhưng điều đáng nói, những sáng tạo văn hóa ấy độc đáo, và được các thế hệ người dân Phú Thọ và toàn quốc coi như một phần bản sắc của mình, lưu truyền từ đời này qua đời khác.

- Theo ông, chúng ta cần làm gì để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tiếp tục được bảo tồn, phát huy, biến tinh thần hướng về cội nguồn trở thành sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc của các thế hệ con Lạc cháu Rồng?

- Nhìn chung, các di sản văn hóa phi vật thể có tính mong manh, dễ bị tổn thương hơn so với các di sản văn hóa vật thể. Cho nên, việc bảo tồn chúng phải đặc biệt lưu tâm. Riêng đối với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bài toán đau đầu nhất là xử lý thật khéo quan hệ giữa vai trò của Nhà nước và cộng đồng. Mục tiêu cuối cùng vẫn là trả di sản về cộng đồng, song trả đến đâu, trả như thế nào, cần có tư duy biện chứng. Nếu không, ta sẽ đi từ cực này sang cực khác.

Cộng đồng cần ý thức Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản của chính mình. Nhiệm vụ của cộng đồng là giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau. Với các loại hình di sản văn hóa dân gian khác như hội Gióng, hát xoan… ta có thể đưa vào trường học, thì với di sản tín ngưỡng, chúng ta không thể ép buộc đưa vào giảng dạy. Trong tâm thức thế hệ trẻ Việt Nam, dù sống trong nước hay ngoài nước, tôn kính tổ tiên, tôn kính các vị Hùng Vương luôn là tình cảm thường trực. Vì thế, phải tin tưởng ở thế hệ trẻ.

- Xin cảm ơn Ông!

Hương Sen - Thảo Nguyên thực hiện