Cảm hứng thị giác từ “Truyện Kiều”

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:34 - Chia sẻ
Lấy cảm hứng từ thiên tuyệt bút của nền văn học Việt Nam - “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, nữ nghệ sĩ người Đức Franca Bartholomi đã sáng tạo chuỗi sắp đặt trên tường, gồm các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ trắng - đen để mời khán giả thưởng thức câu chuyện từ một góc nhìn khác.

Nàng K…

Triển lãm diễn ra từ ngày 8 - 25.10, tại Viện Goethe Hà Nội dưới tên “Nàng K…”. Chữ Kiều đã không được viết đầy đủ theo chủ đích của nghệ sĩ. Các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ trắng - đen không hề tạo ra các bản sao từ “Truyện Kiều” mà mang trong mình dấu ấn cá nhân Franca Bartholomi - nghệ sĩ nổi tiếng với các tác phẩm khắc gỗ và cắt giấy, kết hợp giữa kỹ thuật thủ công đặc trưng truyền thống từ thời trung cổ với kỹ thuật hiện đại.


Hoa hướng dương, tranh cắt giấy, các - tông đen

Trong những sắp xếp có tính toán nhuốm màu ẩn dụ, chất liệu và lời thơ giàu hình ảnh từ tác phẩm của Nguyễn Du hòa quyện cùng những liên tưởng và suy ngẫm của Franca Bartholomi về nỗi tủi hổ, tội lỗi, phẩm giá và hy vọng, sự tìm kiếm hơi ấm, an toàn và tình yêu. Tác giả chia sẻ, chị nhận được bản dịch “Truyện Kiều” bằng tiếng Đức cách đây 3 năm. Cầm văn bản trên tay, lập tức chị có cảm giác nó nói chuyện với mình. Ngôn ngữ hình ảnh của tác phẩm đồng điệu với hình ảnh nặng tính ẩn dụ trong phong cách nghệ thuật của Franca Bartholomi: “Trong tôi có những hình ảnh mạnh mẽ, mãnh liệt, không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng mở thế giới nội tâm khác biệt này của mình với những ảnh hưởng xa lạ bên ngoài. Nhưng may mắn thay, tác phẩm lại có một số trùng lặp với thế giới nội tâm của tôi, chẳng hạn như mô típ giấc mơ tiên tri ở đầu câu chuyện, hoặc xung đột giữa số phận và tự do cá nhân, giữa nghĩa vụ và tình yêu đích thực”.

Chất liệu tranh khắc gỗ là trung tâm của tác phẩm nghệ thuật của Bartholomi. Nghệ sĩ chia sẻ chị nhìn thấy những mâu thuẫn hấp dẫn về mặt nghệ thuật trong “Truyện Kiều”. Đối với nghệ thuật, khi các khái niệm bắt đầu mâu thuẫn nhau chính là thời điểm mà mọi thứ trở nên thú vị. Nó giống như một bức tranh nhiều mảnh ghép của những yếu tố hòa vào nhau, đẩy đến một trạng thái căng thẳng giúp mở rộng tâm trí và làm sắc bén các giác quan.

Dưới những cái tên như: Thần thánh, Tại chỗ, Hộp đen, Hoa hướng dương, Thời khắc nửa đêm (Trò chơi với K), Cô gái và quả cầu… các tác phẩm được thể hiện dưới hai gam màu đen - trắng. Tác giả hé mở một không gian tĩnh lặng, một thế giới đối lập với bao bộn bề cuồng quay xảy đến trong “Truyện Kiều”, và cả trong cuộc sống thường ngày của xã hội đương đại. Khán giả được mời đón, chiêm nghiệm, cảm nhận sự hân hoan thơ mộng và có lẽ cũng để khám phá thêm những điều mới mẻ trong câu chuyện về nàng Kiều.


Kẻ ngoại đạo II (amo volo ut sis - ta muốn trở thành), khắc gỗ

Những điều mới mẻ

Franca Bartholomi cho rằng, có lẽ đối với những ai vẫn quen thuộc ngôn ngữ súc tích của châu Âu đương đại thì thoạt tiên phải mất chút thời gian làm quen với phong cách “Truyện Kiều”. Đó là kiểu truyện thơ, không tự nhiên và ngôn ngữ giàu ẩn dụ gần như hoa mỹ. Nhưng nội dung của nó thì không. Số phận người phụ nữ khó khăn và nhiều bước ngoặt khó đoán chính là câu chuyện hấp dẫn từ đầu tới cuối. “Đó chính là ngôn ngữ hợp với cảm tình của tôi dành cho sáng tác mang nặng tính ẩn dụ này. Trong khi đọc, tôi luôn tưởng tượng ra những hình ảnh trong đầu, ví dụ như câu 357 “Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ”, lập tức tôi thấy hình cô gái với khuôn mặt hoa hướng dương”.

Các tác phẩm trong triển lãm dường như là minh chứng cho những ấn tượng đọng lại xuyên suốt “Truyện Kiều”. Có nhiều đoạn tác động mạnh đến tâm trí, ví dụ câu “Đau lòng kẻ ở người đi/Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm”, với Franca Bartholomi đó là một hình ảnh mạnh, gây đau đớn thực sự. Nó tạo cảm hứng để chị trổ lên giấy bức tranh về những con tằm. Hay chi tiết khi Kiều không chủ ý mà đã phản bội Từ Hải, đẩy chàng vào tay kẻ thù, chết đứng giữa trời, nghệ sĩ người Đức nhận định, đó là câu chuyện nằm trong sự thê thảm mặc định của đời người. Hành động là mắc tội, là ra quyết định, điều đó khiến nghệ sĩ trăn trở, và là cảm hứng để chị sáng tác hình ảnh các cô gái giấu mặt sau cái túi.

“Quyết định viết tắt tên Kiều cho triển lãm ở Hà Nội lần này là một dạng thu nạp”, Franca Bartholomi lý giải. Có người đọc “Truyện Kiều” và nhận định đây là tác phẩm có cốt truyện ưu sầu, Bartholomi thì không. Kiều trăn trở với số phận, vô cùng tuyệt vọng, hai lần tính quyên sinh. Nhưng luôn có những khoảnh khắc của hy vọng, tiến triển và cuối cùng, Kiều trở về nhà với gia đình và người yêu. Cuốn sách, vì thế đã cho thấy một thứ gì đó mang tên phẩm giá. Nó không tô hồng cuộc sống, nó chỉ ra cuộc sống vốn dĩ đầy khó khăn và thường tàn khốc, nhưng hạnh phúc vẫn có thể tồn tại. “Sẽ không có phương thức đúng hay sai để xem tác phẩm của tôi. Chúng là lời mời để suy nghĩ tiếp, liên tưởng và mộng mơ. Nếu ai đó nhận ra trong tranh điều gì rất riêng cho mình thì cũng rất ổn”, Bartholomi nói.

Thái Minh