Chính sách chống ô nhiễm không khí của một số quốc gia

Cam go nhưng quyết liệt

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 09:49 - Chia sẻ
Trong thời gian gần đây, chất lượng không khí của Thủ đô Hà Nội liên tiếp rơi vào ngưỡng báo động khi các chỉ số cho thấy luôn vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều. Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới, từ những nước đã phát triển, đang phát triển đến chậm phát triển đều coi công tác chống ô nhiễm không khí là một trong những ưu tiên số 1 để phát triển bền vững.

7 triệu người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nguy cơ tử vong do ô nhiễm không khí đứng thứ tư trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Cũng theo WB, tử vong do ô nhiễm không khí gây thiệt hại 225 tỷ USD kinh tế toàn cầu. Còn theo Liên Hợp Quốc (LHQ), chi phí toàn cầu phải trả do ô nhiễm không khí ước tính vào khoảng 5.000 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, vấn nạn này là nguyên nhân của khoảng 7 triệu cái chết không thể tránh khỏi mỗi năm mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em và người nghèo. Vì thế, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây đã kêu gọi các Chính phủ áp thuế ô nhiễm, chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và dừng xây dựng các nhà máy than mới.

Ai cũng biết, các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là nhiên liệu hóa thạch và sinh khối, vốn được sử dụng để sản xuất năng lượng, sưởi ấm, nấu ăn, giao thông vận tải và nông nghiệp. Trong đó, ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch đặc biệt có hại cho con người, vì nó chứa một lượng lớn hạt vật chất - đặc biệt là với đường kính dưới 2.5 micromet (PM2.5), có xu hướng tồn tại trong không khí lâu hơn các hạt nặng hơn. Các hạt bụi siêu mịn này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, vào phổi và thậm chí đi vào máu, từ đó phá hủy tim, phổi, hệ thần kinh, da và các cơ quan khác, làm tăng nguy cơ bị bệnh và dị tật như ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ em, hay dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như tim mạch, hen suyễn, tiểu đường và ung thư. Ngoài ra, thực tế đã chứng minh, việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguồn gốc gây ra 2 loại khí thải chính gây hiệu ứng nhà kính là methane (CH4) and carbon dioxide (CO2). Các loại khí trên tích lũy trong khí quyển đã gây ra biến đổi khí hậu.Theo các nhà khoa học, nếu kiểm soát được việc đốt này, thế giới sẽ đạt được mục tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu khoảng 1,5oC cũng như giúp 23 triệu người thoát khỏi cái chết.

Cần ý thức được hậu quả và có quyết tâm chính trị

Trước những nguy cơ kinh khủng mà ô nhiễm không khí có thể gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã buộc phải nghiêm túc nghiên cứu và thực hiện các chính sách làm giảm ô nhiễm không khí nhanh chóng. Indonesia thể hiện quyết tâm chống ô nhiễm không khí ở cấp quốc gia từ những chính sách và hành động sát sườn nhất trong cuộc sống hàng ngày như ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm từ hoạt động đun nấu. Cụ thể, nước này đã triển khai giúp hàng triệu gia đình nghèo chuyển sang các công nghệ nấu ăn bằng nhiên liệu sạch. Tương tự, một chương trình do Chính phủ Ấn Độ thực hiện đã hỗ trợ tài chính cho phụ nữ trong nước mua bếp đun nấu bằng gas tự nhiên và đặt ra mục tiêu trang bị cho 95% hộ gia đình nằm trong diện được hưởng ưu đãi vào năm 2020. Hiện nay, ở nhiều gia đình trên thế giới vẫn dùng nguyên liệu hóa thạch để nấu nướng và sưởi ấm.

Còn tại Hàn Quốc, Chính phủ lại quan tâm đến việc xây dựng mạng lớn khoảng 300 trạm quan trắc không khí có khả năng đo lường siêu bụi trên khắp cả nước. Ngoài ra còn có các trạm quan trắc di động, các trạm quan trắc ở các khu công nghiệp, trên đường phố… Trong lĩnh vực lập pháp, hồi tháng 2 năm nay, đất nước kim chi đã thông qua luật đặc biệt về bụi siêu mịn, đồng thời thiết lập một ủy ban riêng thuộc Chính phủ, có thẩm quyền huy động các bộ ngành khác nhau cùng thực hiện đồng loạt các biện pháp trên quy mô lớn cho những tình huống bụi siêu khẩn cấp. Luật đặc biệt về bụi siêu mịn hoàn toàn độc lập với những luật và chính sách bảo vệ môi trường đã ra đời cách đây hàng chục năm. Động thái trên của Quốc hội được đưa ra sau khi Hàn Quốc rơi vào vị trí bét bảng về chất lượng không khí trong số 35 quốc gia thành viên của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD). Trước đó, nền tảng cho chính sách bảo vệ không khí tại Hàn Quốc là Luật Bảo vệ không khí sạch, Luật Kiểm soát tiếng ồn và độ rung, Luật Cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị và Luật Ngăn ngừa mùi hôi…

“Công xưởng của thế giới” Trung Quốc là một trong những quốc gia phải trả giá rất đắt cho môi trường do phát triển quá nhanh. Thủ đô Bắc Kinh từng là điển hình khi người ta nghĩ về những thành phố ô nhiễm không khí bậc nhất thế giới. Chính vì vậy, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã thực hiện 8 biện pháp để chiến đấu với vấn nạn này. Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra kế hoạch hành động về phòng chống ô nhiễm không khí; hạn chế các hoạt động công nghiệp và đóng cửa các nhà máy sản xuất lỗi thời; tối ưu hóa cơ cấu năng lượng và đặt mục tiêu tiêu thụ than, bao gồm kiểm soát và tiêu chuẩn chất lượng; thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và các phương tiện giao thông chạy điện; thành lập cơ chế quản lý chung khu vực để kiểm soát ô nhiễm không khí; thực thi các quy định pháp luật và sửa đổi Luật Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm không khí; thực thi kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua các hành động pháp lý và tư pháp; khuyến khích công chúng tham gia vào lối sống xanh và báo cáo về các hoạt động ô nhiễm bất hợp pháp. Được biết, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ ngân sách hơn 10 tỷ USD trong giai đoạn 2013 - 2018 để chiến đấu với ô nhiễm không khí. Quyết tâm đã gặt hái được quả ngọt, hôm 13.9 vừa qua, Tổ chức Giám sát chất lượng không khí AirVisual có trụ sở tại Thụy Điển nhận định, Bắc Kinh sắp thoát khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Nhìn sang châu Âu, trong tháng 9 vừa qua, nghị sĩ Chris Philp đã đề xuất dự luật Không khí sạch mới nhằm cải thiện chất lượng không khí ở Vương quốc Anh. Trong đó, văn bản này xem xét giảm ô nhiễm không khí bằng cách mở rộng các khu vực không khí sạch và cấm các phương tiện chạy bên ngoài trường học. Ngoài ra, dự luật cũng tìm cách hạn chế việc kinh doanh các loại xe chạy bằng diesel, đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương trồng thêm nhiều cây xanh và thúc đẩy phát triển xe bus, taxi điện. Hiện nay, lãnh đạo các thành phố trên khắp xứ sở sương mù đang đề nghị Chính phủ tài trợ thành lập một mạng lưới quốc gia gồm 30 khu vực không khí sạch.

Trong khi đó tại Mỹ, trước khi Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí được thông qua vào năm 1955, ô nhiễm không khí vẫn chưa được coi là vấn đề môi trường cấp quốc gia. Thực tế, đây là Luật liên quan đến không khí sạch đầu tiên mà Quốc hội Mỹ thông qua, trong đó nêu rõ ô nhiễm không khí là mối nguy hiểm đối với sức khỏe người dân. Luật duy trì trách nhiệm ban đầu cũng như quyền của các bang và chính quyền địa phương trong việc kiểm soát vấn nạn trên. Đến năm 1963, Đồi Capitol tiếp tục thông qua Luật Không khí sạch để định nghĩa tốt hơn về các tiêu chí chất lượng không khí cũng như trao thêm quyền đưa ra định nghĩa chất lượng không khí cho Bộ Y tế, giáo dục và lao động Mỹ lúc bấy giờ. Thực chất, Luật  này ra đời để thay thế cho luật năm 1955. Một thập kỷ sau, Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí từ các phương tiện cơ giới tiếp tục được ban hành để tập trung cụ thể hơn vào các tiêu chuẩn khí thải ô tô. Chỉ hai năm tiếp theo, Luật Chất lượng không khí Liên bang đã được xây dựng để giúp xác định “vùng kiểm soát chất lượng không khí” một cách khoa học dựa trên các yếu tố địa hình và khí tượng của ô nhiễm không khí. 

Thái Anh