Cải tiến giáo dục chưa đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 08:03 - Chia sẻ
Việc cải tiến giáo dục không đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đang gây ra nhiều hệ lụy ở các cấp bậc học. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa), sự quản lý lỏng lẻo khiến chúng ta phải chứng kiến nhiều vụ việc nhức nhối trong xã hội đó là trẻ em bị bạo hành bởi chính các cô nuôi dạy trẻ; việc bỏ quên trẻ em trong xe đưa đón dẫn đến chết người; việc quản lý ở các cơ sở giáo dục gọi là chất lượng cao cho thấy có nhiều lỗ hổng, khiến phụ huynh, học sinh hết sức bất an...

“Chảy máu chất xám” không có dấu hiệu giảm

Trong 2 ngày thảo luận về tình hình KT – XH và ngân sách nhà nước, nhiều ĐBQH dành sự quan tâm đặc biệt đối với các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục. ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) bày tỏ vui mừng trước những thành tựu của giáo dục và đào tạo khi hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh. Chúng ta thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân; nâng cao được trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, đối tượng chính sách. Cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống giáo dục đào tạo từng bước được hiện đại hóa, xã hội hóa. Lần đầu tiên chúng ta có 2 trường đại học quốc gia có tên trong danh sách xếp hạng 1.000 trường hàng đầu trên thế giới và một số trường đại học được xếp hạng giúp thứ hạng giáo dục Việt Nam được cải tiến dần.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường Ảnh: Q. Khánh

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu cũng chỉ rõ, cử tri rất băn khoăn về chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp bậc học. Thực tế là, ở bậc học mầm non, trẻ em bị bạo hành bởi chính các cô nuôi dạy trẻ; việc bỏ quên trẻ em trong xe đưa đón dẫn đến chết người; việc quản lý ở các cơ sở giáo dục gọi là chất lượng cao cho thấy có nhiều lỗ hổng, khiến phụ huynh hết sức bất an. Hay, trường hợp cô giáo chấm bài cho học sinh vứt vở xuống đất để các em học sinh tiểu học tự lên nhặt vở; đánh học sinh thường xuyên đến mức cha mẹ phải lén đặt camera đã cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giáo viên. Vấn nạn dạy thêm, học thêm, mua điểm, gian lận thi cử hết sức nhức nhối, nhất là ở kỳ thi đại học vừa qua tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang… ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh, đây là hậu quả của việc quản lý giáo dục lỏng lẻo, cải tiến giáo dục không đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý giáo dục.

Một số đại biểu cho biết thêm, dù Luật Giáo dục năm 2019 đã được QH thông qua, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ giáo dục hiện đại, nhưng tình trạng học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức, học giả, thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí được cấp bằng tốt nghiệp xuất sắc và vẫn tìm được những chỗ làm tốt nhờ cơ chế mua bán, xin cho. Điều này tác động rất lớn đến tâm lý học sinh, sinh viên và gia đình, làm mất động lực phấn đấu của các học sinh nghèo học giỏi. Học sinh học thật, thi thật, cơ hội tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài của quốc gia cũng vì thế mà mất dần, chảy máu chất xám không có dấu hiệu giảm xuống dù Chính phủ có rất nhiều cơ chế thu hút nhân tài.

ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu cũng nhắc lại tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela – người đoạt giải Nobel Hòa bình được ghi trang trọng trước cổng trường Đại học Nam Phi như một lời cảnh báo đối với ngành giáo dục nước nhà: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên, bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của bác sĩ, của nền giáo dục đó, các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đó. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đó và nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đó. Công lý bị mất trong tay của các thẩm phán của nền giáo dục đó và sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Bảo đảm nguyên tắc nơi nào có người học, nơi đó có người dạy

Cũng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, một số ĐBQH nêu rõ, quá trình thực hiện Nghị quyết đang phát sinh nhiều vướng mắc.

Cụ thể, theo ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Nghị quyết 19 có chỉ đạo là hình thành các trường phổ thông nhiều cấp học, trong đó có tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. Trung ương định hướng như thế nhưng nhận thức và thực hiện vấn đề này đang rất khác nhau. ĐB Bùi Văn Phương cho rằng, chủ trương thành lập trường nhiều cấp học là để phù hợp với điều kiện đặc thù, những vùng địa hình, địa lý phức tạp, giúp các cháu thuận lợi trong việc đi học. Song, nhiều địa phương lại suy nghĩ đây là chủ trương sáp nhập nhiều cấp. Có địa phương đã xây dựng Đề án từ nay đến năm 2030 cơ bản các trường tiểu học và trung học cơ sở nhập lại với nhau để giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm một số biên chế.

ĐB Bùi Văn Phương đề nghị Chính phủ tập trung nghiên cứu kỹ và đặc biệt  Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến. Bởi lẽ, bước vào cải cách giáo dục đầu những năm 80, chúng ta đã từng nhập cấp 1 và cấp 2 với nhau thành trường phổ thông cơ sở từ lớp 1 đến lớp 9. Sau gần 10 năm tổ chức thực hiện thấy rằng không bảo đảm yêu cầu của chất lượng giáo dục, chúng ta lại quay trở lại thành trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Nay nếu chúng ta nhập lại theo cách tư duy như thế cần phải hết sức tính toán về mặt cơ sở khoa học và thực tiễn của mô hình giáo dục. ĐB tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, chất lượng giáo dục không thể đơn giản tính bằng chuyện bớt đi đầu mối và bớt đi một số biên chế. Theo tinh thần của Nghị quyết 19 là phải thể chế hóa bằng pháp luật để tổ chức chỉ đạo thống nhất, nhưng hiện nay việc này mỗi nơi có một cách hiểu khác nhau. Liệu rằng chúng ta có rơi vào tình trạng nhập vào, tách ra rồi lại nhập vào hay không?

Ở góc độ thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế trong giáo dục, ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) lưu ý, chúng ta không thể cắt giảm một cách cơ học, vì sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc “bảo đảm nơi đâu có người học, nơi đó có người dạy”. Việc thẩm định cũng như bổ sung số lượng người làm việc trong ngành giáo dục nên cân nhắc đến tính đặc thù của vùng miền, thành thị, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Giáo dục và đào tạo nước ta đang nỗ lực đổi mới một cách căn bản và toàn diện, nhưng sự đổi mới, cải tiến nào cũng cần thận trọng, có bước đi, cách làm phù hợp. Đây là câu chuyện đã được các ĐBQH nói mãi và dường như chưa có hồi kết.

Anh Thảo