Cải thiện năng suất lao động có ý nghĩa sống còn

- Thứ Năm, 08/08/2019, 07:27 - Chia sẻ
“Hơn bao giờ hết, việc cải thiện năng suất lao động là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu như vậy tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra sáng qua.

4 yếu tố chính tác động đến năng suất lao động

Nhìn lại thực trạng năng suất lao động nước ta trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng chịu tác động của 4 nhân tố chủ yếu. Thứ nhất, mặc dù quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đã thu được một số kết quả nhưng dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP nhưng lao động trong khu vực này lại chiếm tới hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội. Ngoài ra, những hạn chế về hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng thời gian lao động trong ngành nông nghiệp, bất cập về hạn điền, chuyển nhượng đất... cũng trở thành điểm nghẽn đối với việc gia tăng năng suất lao động. Hai là, các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn hạn chế. Bằng chứng là xếp hạng các chỉ số của nước ta so với thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp. Ví dụ như năm 2018, năng lực cạnh tranh đứng thứ 77, đổi mới sáng tạo đứng thứ 82…

Ba là, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Bốn là, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn thấp. Doanh nghiệp khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước; doanh nghiệp nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế; khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Cải thiện năng suất lao động có ý nghĩa sống còn để tránh tụt hậu Nguồn ảnh: ITN

Xây dựng cơ chế cán bộ mở để hút người tài

Khoa học - công nghệ không phải là duy nhất

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ rõ, trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao là cơ quan đầu mối về tăng năng suất lao động nên “mọi thứ đều thiên về tăng cường khoa học - công nghệ”. Tuy nhiên, trên thực tế và qua quá trình nhận thức thấy rằng, tăng năng suất lao động không đơn thuần chỉ là khoa học, công nghệ. “Đó là lý do Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là bộ kinh tế tổng hợp phải đứng ra chủ trì Hội nghị này. Đây là sự chuyển đổi nhận thức rất lớn. Bởi tăng năng suất lao động suy cho cùng để đất nước tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn. Khoa học - công nghệ cần nhưng không phải là duy nhất”, ông nói.

Trong bối cảnh năng suất lao động của Việt Nam tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) vẫn còn thấp trong khu vực, năm 2018 chỉ bằng 7,3% của Singapore, bằng 19% Malaysia… “hơn bao giờ hết, việc cải thiện năng suất lao động là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh

Để cải thiện năng suất lao động trong thời gian tới, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, trước hết, phải thúc đẩy cải cách thể chế để làm sao nguồn lực dồn chảy vào những khu vực có khả năng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, phải tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ. “Hiện, khu vực nông nghiệp đang chiếm tới hơn 40% lao động, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ này chỉ còn 3 - 5%. Do vậy, cần dịch chuyển tỷ lệ này xuống khoảng 10%, còn lại chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Để làm được điều đó, quan trọng nhất phải có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chỉ như vậy mới mong cải thiện năng suất”, ông Lộc nói.

Đề xuất 5 chính sách hữu ích để tăng năng suất lao động cho Việt Nam, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho rằng, trước tiên, Việt Nam cần khởi xướng phong trào năng suất quốc gia. Tiếp đó, cần thành lập cơ quan thực thi có hiệu quả việc tăng năng suất; thiếp lập mục tiêu năng suất và giám sát việc thực hiện mục tiêu đó; có chiến dịch nâng cao nhận thức về năng suất và sử dụng công cụ nâng cao năng suất. “Người Việt Nam rất chăm chỉ và tài năng. Vì thế tôi tin rằng, Việt Nam rất có khả năng để cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động cũng như tính cạnh tranh bằng cách theo đuổi chính sách vững chắc, lâu dài và phù hợp”, ông Umeda Kunio bày tỏ.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra 4 nút thắt đối với tăng năng suất lao động. Bao gồm nút thắt về thể chế kinh tế (như quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường lao động còn hạn chế, tiền lương chưa vận hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường…); trình độ, kỹ năng lao động còn thấp; nút thắt cơ sở hạ tầng, đất đai, tài chính quá lớn khiến các nguồn lực này chưa được giải phóng phát huy hiệu quả; nền tảng và năng lực khoa học công nghệ chưa cao, đặc biệt phương diện đầu tư và ứng dụng công nghệ.

Để tháo gỡ các nút thắt trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 6 giải pháp. Cụ thể, phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế, trong đó có nguồn nhân lực để có thể huy động và sử dụng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động ở cả phía cung (người lao động) và phía cầu (doanh nghiệp) của thị trường lao động, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có thể tham gia thị trường với chi phí giao dịch thấp nhất, tìm được việc làm hay lao động tốt nhất theo nguyện vọng.

Đồng thời, phải thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút người tài năng, chuyên gia giỏi, người quản lý xuất sắc, trong đó có tài năng người Việt Nam ở nước ngoài. “Người Việt Nam có câu “một người lo bằng kho người làm”. Người tài bao giờ cũng giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội, trong đó giải quyết vấn đề năng suất rất căn bản”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, cần xây dựng cơ chế cán bộ mở trong cơ quan nhà nước để thu hút người giỏi vào bộ máy. Năng suất lao động có tương quan chặt chẽ trình độ giáo dục, năng lực, kỹ năng chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ hệ thống giáo dục, phổ cập và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, trong đó ưu tiên đào tạo tài năng và kỹ năng mới luôn là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.

Cuối cùng, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới để có thể phát huy năng lực. Do đó, “đầu tư cho khoa học - công nghệ là chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. Chiến lược đào tạo kỹ năng lao động và đầu tư công nghệ cần bảo đảm tương thích với nhau để đạt hiệu quả tốt nhất”, Thủ tướng nói.

Đan Thanh