Cải thiện mức độ hài lòng của doanh nghiệp

- Thứ Hai, 29/06/2020, 15:19 - Chia sẻ
Báo cáo Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia do Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố mới đây cho thấy, phần lớn các chức năng cơ bản trên Cổng một cửa quốc gia hiện hoạt động tốt; 95% số doanh nghiệp đánh giá dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như tạo tài khoản và đăng nhập, xem và in hồ sơ.

Nhiều đánh giá khách quan

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Do đó, tạo thuận lợi thương mại mà trọng tâm là cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu là cách thức để Việt Nam hiện thực hóa cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giao thương quốc tế. Đặc biệt, ngành Hải quan đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng thủ tục hải quan điện tử, triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trong số những hoạt động giúp thuận lợi hóa thương mại, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính đang trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và các chi phí tuân thủ. Việc hình thành và đưa vào hoạt động Cơ chế một cửa quốc gia từ tháng 11.2014 là nỗ lực rất quan trọng của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và nhiều bộ, ngành có liên quan. Khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng giúp tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, thông qua việc xác định những vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Cải thiện mức độ hài lòng của doanh nghiệp qua cơ chế Một cửa Quốc gia
Cải thiện mức độ hài lòng của doanh nghiệp qua cơ chế Một cửa Quốc gia

Báo cáo cũng là kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, theo đó Tổng cục Hải quan và VCCI có nhiệm vụ xây dựng, thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về các báo cáo thường niên liên quan đến đo thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua cơ chế một cửa quốc gia.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, kết quả của khảo sát là những đánh giá khách quan nhất của cộng đồng doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính tại cơ chế một cửa quốc gia. Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức, phối hợp hợp tác với các bộ ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ chế này” - Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhiều bộ, ngành vẫn chưa bảo đảm tiến độ triển khai thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; đồng thời cũng có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng cổng thông tin. Cụ thể, 27% doanh nghiệp chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của cổng do còn gặp những lỗi kết nối; khoảng 20% doanh nghiệp phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên cổng còn chậm; 26% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Các thủ tục thuộc Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ. Thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O và Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa là những thủ tục dễ tiến hành nhất với chỉ khoảng 15% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn. Có 26% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên, sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các bộ, ngành. Có 10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận thời gian doanh nghiệp phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được so với phương thức truyền thống dao động trong khoảng 1 - 3 ngày và số ngày giải quyết thủ tục nhìn chung đều nằm trong khoảng thời hạn theo quy định của các văn bản pháp luật. 8 thủ tục hành chính ghi nhận chi phí giảm đi đáng kể so với phương thức cũ.

Phó Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cho biết, thủ tục hải quan đến nay có bước tiến lớn, các doanh nghiệp trong hiệp hội xuất nhập khẩu Đồng Nai hầu như đánh giá thủ tục hải quan được cải cách rất nhiều. Song, về quản lý chuyên ngành vẫn có những vướng mắc cần được cải cách hơn nữa với sự tham gia của bộ, ngành. Đồng thời, đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số và nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng một cửa quốc gia.

Tổng cục Hải quan cần phối hợp với các bộ, ngành; thúc đẩy việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung thay vì hệ thống phân tán trong hiện tại. Các bộ, ngành cần triển khai thực chất việc cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Mặt khác, tiếp tục cải thiện tính minh bạch trong cung cấp thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ, công khai kết quả giải quyết thủ tục, thống nhất và đơn giản hóa các biểu mẫu, giấy tờ dễ hiểu với doanh nghiệp và thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Nhật Phương