Cải thiện khung chính sách bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật

- Thứ Năm, 04/06/2020, 00:11 - Chia sẻ
Đó là một trong những đề xuất được đưa ra tại hội thảo ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức ngày 3.6 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

Theo thống kê hiện nay, nước ta có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật. Người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật gặp rất nhiều định kiến, khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới. Đây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và giới. Theo đó, để bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật ra đời sẽ tạo sự kết nối, chia sẻ, hỗ trợ để giảm thiểu tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Liên quan đến dự thảo đề xuất sửa đổi chính sách, lồng ghép giới vào các văn bản pháp luật nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, tại hội thảo các chuyên gia luật và đại diện mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại 3 miền Bắc, Trung, Nam bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí cao với khung chính sách được đề xuất: Cần cải thiện khung chính sách và công tác thực thi pháp luật để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; tăng cường cơ chế bảo đảm thi hành chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; tăng cường các dịch vụ công hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực tình dục…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay trong tất cả luật cũng như văn bản gần như vấn đề lồng ghép trẻ em gái khuyết tật chưa được đề cập, do vậy dự thảo cần bổ sung vấn đề này; đồng thời tăng cường mở rộng tổ chức, mạng lưới Hội Người khuyết tật ở các tỉnh, thành phố để bảo vệ thành viên của mình khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, cần bổ sung quy định trong quá trình tham vấn xét xử phải có đại diện người khuyết tật bên cạnh người bị xâm hại để khuyến khích người bị xâm hại nói lên tiếng nói của mình...

Tin và ảnh: Bảo Hân