Tản mạn

Cái lý của nghệ thuật

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:29 - Chia sẻ
Một cái cây không thật mà lại làm chảy những giọt nước mắt rất thật. Làm được điều ấy, chỉ có thể là sự kỳ diệu của nghệ thuật…

Năm đó, may mắn trở thành 1 trong 2 nhà báo từ Việt Nam tham dự Triển lãm nghệ thuật lưỡng niên (Triennale) Yokohama, tôi đã há hốc mồm khi đứng trước hai tác phẩm sắp đặt của tác giả Thụy Điển Henrik Hakansson, người có vô số triển lãm tại nhiều bảo tàng nghệ thuật đương đại lớn trên thế giới. Henrik (sinh năm 1968) nổi tiếng trong giới mỹ thuật đương đại với những tác phẩm liên quan tới cái cây - một biểu tượng của sự sống, của tự nhiên và liên quan tới những vấn đề môi trường. Lần này cũng là những cái cây, những cái cây dị dạng. Một bộ rễ không thân, không cành lá, mọc ra từ trần nhà, treo lơ lửng trong không trung. Và một thân cây không rễ mọc ra từ sàn nhà. Và một đám cây khác, thì xanh tươi, lá xum xuê quét đất - nhưng thay vì đứng thẳng như mọi cái cây khác, thì chúng lại nằm ngang, với bộ rễ vẫn ngập trong đất, nhưng đất cũng đang treo lơ lửng trong không gian theo phương vuông góc với mặt đất. Không rõ những cái cây nằm ngang này còn sống được đến bao giờ, bởi vì “một khu rừng đã ngã xuống” (“Fallen Forest” là tên của tác phẩm)…

Nghệ thuật đương đại là... quái, là dị thế, có gì mà ngạc nhiên? Bởi Henrik làm tôi nhớ đến một nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam lúc đó vừa “bươu đầu” vì “đá” dư luận sau một triển lãm những cái cây của cô. Đó là sắp đặt “Cây” của Nguyễn Phương Linh ở Nhà sàn, Hà Nội. Lơ lửng giữa hai tầng Nhà sàn là một (hay hai) cây hoa sữa không gốc, không rễ, hai phần ngọn được ghép ngược với nhau. Xem ra, ý tưởng “Cây” của Phương Linh thú vị và chứa đựng nhiều ẩn nghĩa hơn nếu so với “Cây” của Henrik. Có người nhìn cây hoa sữa “hai đầu không gốc rễ” của Phương Linh mà nghĩ tới những đứa trẻ dị dạng vì chất độc da cam. Có người nghĩ tới sự phát triển mất gốc của một thế hệ. Có người mãi thắc mắc về sự sống, cái chết, sự tồn tại có hay không trong cái thân thể cây dị dạng như vậy…

Nhưng tác giả của triển lãm “Cây” bị số đông kết tội rằng chỉ vì ý thích làm nghệ thuật (làm chỉ cho một dúm người tới xem, không làm cũng chẳng chết ai) mà đang tay giết chết hai cái cây hoa sữa đang “tuổi lớn” (được xác định là 3 năm tuổi).

Nhìn nghệ thuật bằng thái độ phi nghệ thuật, đáng sợ lắm thay!? “Không có một cách nhìn nào duy nhất cho các tác phẩm trưng bày ở đây. Tôi hy vọng rằng sự tưởng tượng của mỗi khán giả sẽ được tự do trong thế giới đa dạng này và chúng sẽ tạo ra những câu chuyện riêng của mỗi người…” - tôi nhớ mãi chia sẻ này của Miki Akiko, Giám đốc nghệ thuật Yokohama Triennale 2011. 

Yokohama Triennale 2011 cũng có một cái cây nữa, một cái cây đặc biệt bởi nó được tạo ra không từ một hạt giống thật, mà từ trái tim của 173 con người. Đó là cây sukura của Jun Nguyễn Hatsushiba, nghệ sĩ gốc Việt duy nhất có mặt tại sự kiện mỹ thuật đương đại này, được tạo nên từ hành trình chạy bộ 1.789km, dành cho những người dân Sendai đã không kịp ngắm hoa anh đào trong mùa xuân năm đó, sau thảm họa sóng thần và động đất. Một cái cây không thật mà lại làm chảy những giọt nước mắt rất thật. Làm được điều ấy, chỉ có thể là sự kỳ diệu của nghệ thuật…

Thủy Phạm