Nhìn lại Phong trào Làng mới ở Hàn Quốc những năm 1970

Cái gốc ở con người

- Chủ Nhật, 01/12/2019, 08:09 - Chia sẻ
Phong trào Làng mới ở Hàn Quốc được coi là mô hình phát triển nông thôn thành công nhất trên thế giới, nó đã làm biến đổi toàn diện nông thôn Hàn Quốc từ một khu vực nghèo đói, lạc hậu trở thành một khu vực phát triển năng động, giàu đẹp. Nguyên lý quan trọng nhất của phong trào Làng mới là lấy người dân làm trung tâm, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân thông qua các khía cạnh sau:

Đi từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, tự tích lũy sức dân

Trong phong trào Làng mới không có chuyện chợ xây ra không ai họp, nhà văn hóa làm xong bỏ hoang... vì mọi công trình đều do “Ủy ban Phát triển Làng mới” của dân từng làng bầu ra. Các dự án đều được khởi động từ những dự án nhỏ nhất, thiết thực nhất đối với cuộc sống của người dân, do người dân tự thảo luận dân chủ và quyết định để lựa chọn dựa trên nguyện vọng chung của cộng đồng, từ đó thu hút được mọi nguồn lực trong dân.

Các dự án đều lấy “làng” là địa bàn khởi động phong trào. Với quy mô khoảng 100 hộ dân, làng là đơn vị có nhận thức cộng đồng, có thể huy động toàn bộ nhân dân đóng góp vì lợi ích chung.

Thực hiện từng bước, từ thấp đến cao, từ thí điểm trên diện hẹp đưa ra toàn quốc, từ xây dựng sang sản xuất, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Giai đoạn đầu, người dân chỉ đóng công sức và rất ít tiền. Chỉ đến năm thứ ba trở đi mới bước sang phát triển sinh kế, đến khi thu nhập tăng, mới huy động đầu tư đi kèm chính sách hỗ trợ tín dụng và mở mang thị trường. Lúc thu nhập nông thôn bằng thu nhập thành phố thì vốn của doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh về nông thôn. Việc đi từng bước còn cho phép nhà nước tập trung đủ vốn vào mục tiêu ưu tiên, để nông dân có đủ thời gian chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, có đủ thời gian để chọn lựa, đào tạo cán bộ cơ sở, nông hộ có thời gian để tự tích lũy tái sản xuất mở rộng.

Thủ lĩnh cộng đồng do dân bầu

Sau một năm thực hiện kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc nhận ra tầm quan trọng của người đứng đầu. Năm 1972, Chính phủ Hàn Quốc thành lập Học viện Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo Saemaul Undong. Mỗi xã được phép bầu ra một cán bộ (nam hoặc nữ) đi học để sau đó trở thành các “thủ lĩnh cộng đồng”. Khóa học bồi dưỡng lãnh đạo nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình và nêu gương cho quần chúng.

Vào thời điểm đó, khi vai trò của phụ nữ còn chưa được coi trọng thì sự tham gia của bộ phận nữ giới trong khóa học đã tạo ra sự khác biệt căn bản. Phụ nữ đứng ra gây quỹ cho địa phương, họ tiết kiệm thực phẩm, gắt gao trong công tác giữ sạch đẹp đường phố ngõ xóm. Ngoài ra họ còn tích cực trong việc ngăn chặn và triệt xóa nạn rượu chè, cờ bạc. Số lượng các quán rượu bắt đầu giảm hẳn trong thời gian này.

Để duy trì sức mạnh từ dưới lên, Nhà nước chủ trương các thủ lĩnh cộng đồng phải độc lập với chính quyền và đảng phái chính trị. Nhà nước không cho họ một trợ cấp vật chất nào (nếu có thì do dân quyết định và đóng góp). Động lực chính là động viên tinh thần từ phía Chính phủ và sự tin cậy của dân. Họ có quyền gặp lãnh đạo ở mọi cấp vào bất kỳ lúc nào. Con cái được cấp học bổng... Hàng năm, Nhà nước tổ chức đại hội toàn quốc, trao giải thưởng và tuyên dương điển hình. Huân chương “Saemaul” là phần thưởng cao quý quốc gia trao cho lãnh đạo cộng đồng xuất sắc. Người lãnh đạo cộng đồng có năng lực được đề bạt làm lãnh đạo chính quyền.


Một lớp đào tạo của phong trào

Đào tạo cán bộ cơ sở theo từng giai đoạn

Trong phong trào Làng mới, cán bộ cơ sở được tập huấn năng lực mạnh dần theo phong trào. Chính phủ xây dựng ba trung tâm đào tạo quốc gia khang trang như trường đại học lớn; đài thọ chương trình đào tạo trong vòng một - hai tuần với nội dung cụ thể gắn với từng giai đoạn của phong trào (khi xây nhà thì dạy về vật liệu, giá cả, nơi mua vật tư, cách thiết kế, kiểm soát thi công…) có thực hành, tranh luận, hỏi đáp. Học xong về địa phương làm. Hoàn tất giai đoạn này thì học sang giai đoạn sau. Học viên kết nối với trường, với thầy để xin tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra trường còn dạy các kỹ năng quản lý cộng đồng (cách nói, cách viết, cách điều hành…).

Xóa bỏ tư duy ỷ lại

Chính quyền Hàn Quốc khi đó đã “chỉ mặt kẻ thù” chính cản trở nông thôn phát triển là tư duy ỷ lại. Vì vậy, Chính phủ thực hiện phương thức hỗ trợ ưu tiên ưu tú để tạo tính cạnh tranh. Các làng chỉ được tham gia các dự án cao sau khi đã hoàn thành các dự án loại thấp. Các làng sau khi đánh giá hàng năm được phân loại thành 3 loại: Không hoàn thành tốt các dự án kết cấu hạ tầng, sẽ không còn được triển khai các dự án nâng cao thu nhập; hoàn thành tốt các dự án kết cấu hạ tầng đơn giản, nhưng chưa hoàn thành tốt các dự án kết cấu hạ tầng mang tính cộng đồng cao sẽ không được phép tham gia dự án nâng cao thu nhập; hoàn thành tốt các dự án kết cấu hạ tầng, những làng này sẽ được chính phủ trợ giúp triển khai các dự án nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thi tuyển gay gắt mà kết quả lại công bố công khai, đài báo ca ngợi làng giỏi, chê bai làng kém. Cả nước thành một cộng đồng và khen chê dấy động lòng tự trọng của mọi người. Người sống ở đô thị, làm cơ quan nhà nước, định cư ở nước ngoài cũng phấn khích góp công, gửi của đưa làng mình đi lên, có tiếng thơm.

Tầm nhìn của người đứng đầu

Nhiều quốc gia coi công tác phát triển nông thôn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, Hàn Quốc khi đó coi đây là một trong ba nhiệm vụ sống còn của Chính phủ. Vì phong trào nhắm vào tổ chức và phát triển con người, Bộ Nội vụ được giao làm cơ quan điều phối chính cho Ủy ban Phát triển Làng mới. Ủy ban có 12 điều phối viên là Thứ trưởng các Bộ còn Tổng thống trực tiếp dẫn dắt Ủy ban Phát triển Làng mới. Cuộc họp định kỳ hàng tháng của Hội đồng Chính phủ được dành thời gian cuối mỗi phiên họp để bàn về Phong trào, là lúc nghe các thủ lĩnh địa phương báo cáo về khó khăn và đề xuất của nông dân. Các Bộ trưởng trực tiếp nghe và bàn với dân dưới sự chủ tọa của Tổng thống, có việc gì khúc mắc giải quyết được ngay.

Quốc Đạt