Xem - Nghe - Đọc

“Cái giá thực sự của nhựa” qua góc nhìn trẻ con

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 08:21 - Chia sẻ
Bộ phim ngắn đoạt giải “Phim tài liệu ngắn tốt nhất” do một nhóm học sinh lớp 6,7,8 thực hiện tại Trại làm phim cuối tuần với chủ đề “Cái giá thực sự của nhựa” do WWF & Prudential tổ chức cách đây không lâu. Tất nhiên, đoạn phim ngắn dài 4 phút này đã được ban giám khảo tuyển chọn, tư vấn và do WWF đầu tư kinh phí để các bạn nhỏ hoàn thiện với sự cố vấn của một chuyên gia về quay và dựng phim.

Như đoạn mở đầu bộ phim của các bạn nhỏ, từ câu hỏi có vẻ vĩ mô: “Cái giá thực sự của nhựa là gì?”, nhóm làm phim thiếu niên đã không ngần ngại lao ra đường, gặp gỡ và phỏng vấn người lớn để xem họ quan tâm đến rác thải nhựa như thế nào? Các bạn đặt câu hỏi với người bán hàng (cho dù bị từ chối), người dân về thói quen sử dụng túi ni lông, tác hại của rác thải nhựa đến thế hệ mai sau cho đến gặp gỡ một chuyên gia về rác thải nhựa của WWF để hỏi về vấn đề xử lý rác thải nhựa. 

Bộ phim tài liệu ngắn của các bạn nhỏ chỉ đặt ra các câu hỏi, các vấn đề về rác thải mà không cố để giải quyết vấn đề hay tìm một câu trả lời thỏa đáng.

Điều thú vị của bộ phim ngắn này là phản ứng của người lớn trước câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời của đám phóng viên trẻ con. Có người thì từ chối trả lời từ đầu, có người ngần ngại nhưng rồi cũng tìm cách từ chối, có người thì đồng ý trả lời nhưng có vẻ e ngại cộng một chút xấu hổ khi thừa nhận vẫn có thói quen xài đồ nhựa một lần, vì “không dùng thì biết đựng bằng cái gì, nhất là những thứ đồ ướt, tanh như tôm cá?”.

Một số người lớn thì biết là sử dụng đồ nhựa nhiều sẽ có hại cho môi trường và thế hệ con cháu sau này, và “nghĩ về thế hệ con cái thì tự động hạn chế và tiết giảm đồ nhựa”, có người thì đề xuất giải pháp thay thế… nhưng số người này chỉ chiếm thiểu số.    

Rõ ràng trong cuộc đối thoại này, câu hỏi tưởng chừng như đơn giản của trẻ con bỗng trở nên “hóc búa” và đầy thách đố đối với người lớn. Hầu hết người lớn đều có hiểu biết và ý thức về môi trường, về tác hại của rác thải nhựa, nhưng sự hiểu biết đó chưa tạo thành thói quen, hành vi để hạn chế hay tiết giảm sử dụng.

Tôi thấy khá buồn vì đây chính là những tấm gương mà các bạn nhỏ đang noi theo mỗi ngày với sự tin tưởng, non nớt và trong sáng. Nếu bạn muốn biết bố mẹ của một đứa trẻ là người như thế nào, hãy nhìn vào cách ứng xử của đứa bé. Tôi thật không hy vọng rằng những người lớn như chúng ta lại là những tấm gương xấu và hơn thế là để lại hàng triệu hàng triệu tấn rác nhựa khó phân hủy cho đời con cháu chúng ta phải gánh chịu hậu quả…   

Qua bộ phim tài liệu ngắn rất trong sáng mà cũng thẳng thắn này, tôi càng tin rằng không có gì giáo dục nhận thức và cung cấp thêm kiến thức về các chủ đề xã hội và môi trường như “cái giá thực sự của nhựa” lại có thể tốt hơn là thông qua quá trình “tự trải nghiệm” mà ở đây như các bạn nhỏ nói là “lao ra đường để tìm câu trả lời”, bằng một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản mà hóa ra vô cùng hóc búa.

Bảo khánh