Cải cách tiền lương cần có những quan điểm, bước đi dài hạn, hợp lý và công bằng hơn

- Thứ Năm, 01/11/2012, 08:12 - Chia sẻ
Đối với việc tăng lương, có thể Nhà nước sẽ chỉ tập trung cho khu vực hành chính, còn khu vực dịch vụ công có thu thì ta tận dụng nguồn thu đó chi cho lương, chi cho đầu tư trở lại khu vực dịch vụ công, nhưng sẽ phải đi theo lộ trình...

Theo đó, khu vực hành chính Nhà nước phải tiếp tục tăng lương, phải đạt mức lương cơ bản để cán bộ, công chức an tâm với công việc, toàn tâm toàn ý đóng góp cho Nhà nước. Còn khu vực dịch vụ công, khu vực dịch vụ có thu, hoạt động theo Luật Viên chức – hoàn toàn tạo cơ chế. Chúng ta sẽ có lộ trình tăng học phí, tăng giá viện phí, tăng giá các dịch vụ công cơ bản và dùng nguồn này để đầu tư trở lại cho các đơn vị dịch vụ có thu bảo đảm khu vực này có thể hoạt động một cách hiệu quả hơn. Và để khu vực này quyết định về nhân lực, lương trong khuôn khổ pháp luật để họ chuyển động một cách mạnh mẽ hơn, nâng cao chất lượng hoạt động. Hoàn toàn có thể lấy lương từ khu vực dịch vụ công chuyển sang cho khu vực hành chính. Chúng ta không thể sử dụng tỷ lệ quá cao từ ngân sách chi cho lương được mà chỉ sử dụng một phần hợp lý, phần còn lại đầu tư cho an sinh xã hội, cho đầu tư công. Người dân không thể chấp nhận một bộ máy nhà nước quá đông và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước quá lớn để chi cho tiền lương. Việc này có thể giải quyết bằng việc sắp xếp lại bộ máy và sắp xếp lại tiền lương cho các khu vực. Những bước đi này sẽ phải có lộ trình. Bởi lẽ, nếu triển khai các bước đi quá bất ngờ thì người dân sẽ chuẩn bị không kịp. Như vậy, bảo hiểm y tế là lộ trình bắt buộc sẽ đi cùng với tăng viện phí để khi người dân ốm đau có bảo hiểm chi trả.

Tiếp đó, nên cho phép các khu vực dịch vụ công được chủ động thu, chi trở lại cho trả lương và đầu tư trang thiết bị nhưng cũng phải có lộ trình. Cần thay đổi toàn bộ cơ cấu đầu tư theo hướng để cho các khu vực lớn, thành phố lớn, bệnh viện lớn, trường học lớn có thể tự thu, tự chi; còn các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa Nhà nước vẫn phải dành sự ưu tiên. Theo tôi ngân sách Nhà nước còn khó khăn, miếng bánh ngân sách còn nhỏ nhưng phải công bằng, phải chuyển dịch theo chiều hướng tích cực và hiệu quả hơn. Như vậy, toàn bộ cơ cấu lương, về lâu dài, không phải chỉ sắp xếp bộ máy là xong mà còn phải chuyển dịch những phần nào mà các khu vực có thể tự thu được và phần lương của khu vực này sẽ chuyển cho khu vực hành chính. Theo đó, về tổng thể lương sẽ không tăng trong tổng thu ngân sách nhà nước nhưng sẽ đáp ứng tốt hơn cho khu vực nào Nhà nước cần chi.

Hành chính nhà nước là khu vực trọng điểm Nhà nước cần dành sự quan tâm, đầu tư thích đáng hơn, còn khu vực dịch vụ công thì Nhà nước tạo cơ chế. Không thể có cơ chế trả cho bộ máy từ hành chính đến dịch vụ công thì không có bài toán nào để có thể giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng. Tất cả những bước đi nêu trên sẽ được thảo luận, giải quyết trong Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI) sắp tới. Khi đó, tôi cho rằng, sẽ có những quan điểm, bước đi dài hạn hơn, hợp lý và công bằng hơn đối với tiền lương trong toàn bộ khu vực nhà nước, bao gồm khu vực hành chính, khu vực dịch vụ công và khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Trương Thị Mai
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Quang Khánh ghi